ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội (Ảnh: ND)
ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội có cuộc trao đổi với Infonet về “quyền im lặng”.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng bức cung nhục hình hiện nay?
Bức cung nhục hình, tất nhiên cái quan trọng nhất vẫn là ý thức nghề nghiệp, đạo dức nghề nghiệp của cán bộ điều tra. Điều đó khi trở thành cán bộ điều tra đã có được đào tạo, tuyển chọn rồi thì họ cần phải làm tốt.
Nhưng như chúng ta thấy thực tế, như vụ ở tỉnh Phú Yên, tội phạm thường rất ngoan cố, cho nên người ta không kìm được. Tất nhiên trong quá trình điều tra cũng phải tránh bị như thế. Trong vụ đó nếu có bên thứ 3, như luật sư hay công tố sẽ giúp người ta tránh được các việc như thế.
Tức là để tránh bức cung, nhục hình dẫn đến oan ai thì cần sự tham gia của luật sư, các cơ quan công tố sớm hơn?
Đúng rồi, phải sớm hơn. Hai nữa là anh cũng phải chấp hành tốt. Những ai được xét hỏi? Khi được tham gia xét hỏi như vậy ở các nước khác có lực lượng không trực tiếp xét hỏi đứng bên ngoài, xem xét, giám sát. Ngoài ra cái phòng đó (phòng xét hỏi - PV) có thể mở và có thể nhìn thấy nhau. Như vậy anh không thể muốn làm gì thì làm.
Mới đây trong phiên họp Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC có nói Việt Nam chưa áp dụng “quyền im lặng”. Nhưng theo ông để hạn chế bức cung, nhục hình thì có nên áp dụng “quyền im lặng” ?
Các nước cũng áp dụng cái gọi là “quyền im lặng”. Ngay từ giai đoạn đầu họ có “quyền im lặng”. Tuy nhiên quyền này áp dụng có hiệu quả hay không còn liên quan đến vấn đề nhận thức, hiểu biết của người dân nói chung. Nếu cứ cho im lặng như thế, có thể sẽ dẫn đến cản trở hoạt động điều tra.
Tội rành rành ra rồi mà cứ im lặng thì rất khó khi chứng cứ rõ ràng rồi mà anh cứ chây ì ngoan cố không khai. Cho nên chỗ này phải làm đồng bộ với nhận thức của người dân. Chứ nếu bắt vào mà cứ như câm, như điếc cả thì ảnh hưởng đến việc điều tra.
Nhưng nếu áp dụng “quyền im lặng” cho đến lúc có luật sư thì sao, thưa ông?
Đúng là nếu áp dụng thì phải dần dần. Nhưng hiện nay số lượng luật sư của mình còn hạn chế. Ngay như xử vụ án ở Thái Nguyên chẳng hạn thì cũng phải điều luật sư từ Hà Nội lên, vì trên đó có đâu. Nếu phải đợi luật sư như thế sẽ cản trở tiến trình vụ án. Mà theo quy định, việc tạm giữ ở xã chỉ 24 tiếng, huyện chỉ 48 tiếng thôi.
Có những cái nước ngoài quy định, để được im lặng thì nó phải liên quan đến hành vi, còn người ta vào hỏi họ tên, tuổi, đang làm gì…thì không thể im lặng được. Họ chỉ được im lặng là khi cơ quan điều tra đòi đưa ra chứng cứ này, chứng cứ kia.
Vậy theo ông "quyền im lặng" có nên áp dụng với chúng ta vào thời điểm này ?
Nơi tạm giam, tạm giữu của mình hiện nay chỉ có mức độ thôi, nếu cứ đưa vào thế thì không đủ chỗ. Mặt khác chính việc trả lời sớm có khi lại tốt cho chính người bị nghi vấn, vì có thể nhanh chóng trả tự do.
Ví dụ vào ngày giờ này, tôi bị nghi vấn gây án, nhưng thời điểm đó tôi đang đi xem trong nhà hát với bạn. Nếu kiểm tra vé đó đúng thì có thể chứng minh ngoại phạm rồi, không phải chờ đợi gì nữa.
Nhưng nếu không áp dụng "quyền im lặng", theo ông có dễ dẫn đến bức cung, nhục hình?
Bức cung nhục hình nếu có thì thường diễn ra ở giai đoạn sau khi có thẩm tra rồi. Chứ còn lúc tạm giam tạm giữ thì người ta không đánh, không bức cung nhục hình làm gì cả.
Xin cảm ơn ông !
Theo Infonet