Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà đất liền kề nhau san sát, hầu như nhà mặt phố là nhà ống... gây khó cho cứu hỏa.
Trong vụ cháy nhà làm 5 người trong một gia đình tử vong tại Hà Nội ngày 11.6 vừa qua, một trong những thông tin đáng suy ngẫm từ người trong cuộc kể lại cho thấy 5 nạn nhân bỏ mạng do không thể tìm được cách thoát ra khỏi căn nhà ống chỉ có 1 cửa chính. Trong khi đó, người bên ngoài không vào được do cửa khóa trái.
Trả lời báo chí sau đó, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, căn nhà nằm trong ngõ sâu và xây theo kiến trúc nhà ống nên công tác chữa cháy và cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong cuộc họp giao ban chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 16.6, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đề cập đến sự việc trên với lối kiến trúc nhà ống, không có cửa thoát hiểm.
Ông Sơn cũng cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn trong phòng cháy chữa cháy là “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, nhà đất liền kề nhau san sát, hầu như nhà mặt phố là nhà ống, không có lối thoát hiểm khi gặp sự cố.
Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, nếu người dân làm nhà ống, nên làm ban công ở phía trước các tầng để trong trường hợp khẩn cấp có thể di chuyển sang các nhà bên cạnh hoặc thoát xuống dưới.
Ở các nhà nhiều tầng, khi cháy tầng 1, khói sẽ đẩy lên phía trên, làm tăng nhiệt độ các tầng phía trên. Muốn tránh các tầng trên không bị khói, người dân nên làm cầu thang kín. Nghĩa là lối dẫn từ các tầng ra cầu thang bộ phải có cửa ra vào. Như vậy, khói tầng 1 không vào được tầng 2, 3, 4 vì có cửa bịt kín.
Trao đổi với phóng viên sau vụ cháy, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ ra hạn chế từ kiểu nhà san sát nhau, chỉ có 1 cửa duy nhất thông ra ngoài. Cánh cửa này thường làm chắc chắn, nhiều lớp, khóa cẩn thận để chống trộm cắp nên khi đám cháy xảy ra, cánh cửa ấy lại làm khó chủ nhà trong việc thoát hiểm.
Ông Luyện cho rằng, do đất chật nên các gia đình ở thành phố buộc phải xây nhà ống. Tuy nhiên, chủ nhà nên thiết kế nhiều cửa, không nên chỉ có duy nhất một cửa ra vào như phần lớn các nhà ống hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cũng nêu ra vấn đề trong cách xây dựng nhà của người dân, đó là việc lo sợ trộm cắp nên các gia đình xây cửa kiên cố, khóa trong khóa ngoài cẩn thận. Tuy nhiên, càng cẩn thận, khi gặp sự cố, người trong nhà càng khó mở cửa thoát thân.
Nhưng nếu làm cửa không kiên cố, cẩn thận thì nguy cơ bị trộm cắp “viếng thăm” rất cao. Do vậy, ông cho rằng, khi xây nhà, chủ nhà không nên xây dựng kín cổng cao tường. Thay vào đó, xây nhiều cửa thông hơi, khi cần, có khả năng thoát hiểm cao.
Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, vì lo chống kẻ trộm nên nhà nào cũng làm chấn song chắc chắn. Tuy nhiên, có những người “khôn ngoan” làm chấn song cửa có khóa, khi có sự cố họ lấy chìa khóa để gần đó, mở ra thành cửa thoát hiểm.
Vào khoảng 0h30 rạng sáng 11.6, tại ngôi nhà 3 tầng trong ngõ 151, phố Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai, HN) xảy ra hỏa hoạn làm 5 người trong một gia đình tử vong.
Theo Danviet