Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHuyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: Điểm sáng về mô hình trường học gắn liền với cuộc sống

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: Điểm sáng về mô hình trường học gắn liền với cuộc sống

Thứ bảy, 06 Tháng 1 2018 08:53
Mô hình “Trường học gắn liền với cuộc sống” đang được ngành Giáo dục huyện Bắc Hà triển khai rất hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở việc trồng rau sạch, trồng hoa, ngoài mô hình nông trại trong nhà trường, nhiều trường học đã triển khai thêm các mô hình như: Phát huy, giữ gìn sắc phục, nét văn hóa  đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao… Đó là lời khảng định của thầy giáo Trần Văn Kim, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. 

bac ha 1

Cô giáo Thàng Thị Hằng đang vẻ đồ trang trí lớp học

Đến thăm Trường Mầm non Bản Phố vào những ngày mưa rét cuối năm, vậy mà tinh thần làm việc của các cô giáo ở đây khiến chúng tôi thêm  ấm lòng. Các cô không chỉ làm công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ, mỗi người còn làm thêm rất nhiều việc như: vẽ tranh, thiêu thổ cẩm, trang trí lớp học, làm đồ chơi để phục vụ công tác giảng dạy. Nhiều lúc chính các cô lại là những người thợ khéo tay làm nên những khu vườn cổ tích. Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những sản phẩm được trưng bầy tại trường được cô và trò cùng phụ huynh làm ra. Có những sản phẩm lưu niệm được bán cho khách du lịch, kinh phí thu được dùng để mua sắm nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm mới phục vụ sinh hoạt của chính các em.

Khác với Trường Mầm non Bản Phố, Trường Mầm non Na Hối lại dạy cho các em duy trì điệu xòe mang đậm bản sắc địa phương, đó là điệu Xòe Na Hối rất nổi tiếng. Điệu xòe ở đây mô phỏng  những công việc sản xuất hàng ngày của đồng bào dân tộc địa phương như: xòe mô phỏng việc cầy cấy, xòe đôi, xòe đoàn kết, xòe vui mừng thành công những vụ mùa bội thu - cô Tráng Thị Thương, giáo viên là người địa phương chia sẻ.

bac ha 2

Cô giáo dạy Xòe Na Hối

Trường Mầm non Thải Giàng Phố lại có một một mô hình mà có lẽ nhiều nơi phải đến học tập kinh nghiệm để triển khai, đó là mô hình trồng rau và hoa xanh tốt gắn liền với những điệu múa đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao của đồng bào dân tộc Mông. Nhìn những luống rau xanh tốt có thể khảng định rau ở đây được các cô chăm sóc chu đáo, cẩn thận khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ở đây ngoài việc trồng rau xanh các cô còn trồng hoa xung quanh trường. Trong khuôn viên nhà trường không còn chút đất nào để trống cho cây cỏ mọc. Nhờ có bàn tay khéo léo chăm sóc của các cô mà vườn hoa, vườn rau của trường ngày càng xanh tốt. Chia sẻ về những vườn rau, vườn hoa của trường, cô giáo Nguyễn Thị Duyện, Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường phát động hội thi trồng rau, trồng hoa xanh tốt trong toàn trường. Mỗi cô giáo trồng và chăm sóc một luống rau của mình để tham dự hội thi. Học kỳ I vừa qua ban tổ chức đã trao giải Nhất cho cô giáo Lê Tố Uyên, lớp mẫu giáo A1, bên cạnh đó cũng trao nhiều giải Nhì và giải Ba… Có thể nói, việc phát động trồng rau đến tất cả các cô giáo nhằm mục đích khích lệ, động viên mỗi người thêm yêu lao động. Trồng rau xanh ngoài việc cung cấp cho chính các bữa ăn hàng ngày của trẻ, các cô cũng có sản phẩm cho gia đình. Rau xanh còn gây quỹ hoạt động trong nhà trường.

bac ha 3

Vườn rau xanh ở Trường MN Thải Giàng Phố

Trồng  rau và hoa xanh tốt xung quanh trường, lớp học là một mô hình thiết thực để dạy cho các em học sinh vùng cao biết được công việc và những sản phẩm gần gũi để phục vụ cuộc sống hàng ngày cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhà trường có cô giáo Hoàng Thị Sử người dân tộc Mông địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân trong xã dạy cho các em học sinh lớp mầm non 4 - 5 tuổi những bài múa dân gian của đồng bào dân tộc Mông như múa Sênh Tiền mang đậm nét văn hóa vùng cao.

 Có thể nói, mô hình “trường học gắn liền với cuộc sống” trong đó áp dụng tại bậc học Mầm non là nét tiêu biểu, độc đáo riêng biệt của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29/ TW Khóa XI của Đảng “ Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Chúng tôi đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý hãy nghiên cứu cùng với các thầy cô giáo địa phương nên  đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình sinh động và thiết thực này./.

Đình Thơm  

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516