Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHuyện Sapa, tỉnh Lào Cai: Thành công bước đầu về việc nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các trường học vùng cao

Huyện Sapa, tỉnh Lào Cai: Thành công bước đầu về việc nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các trường học vùng cao

Thứ sáu, 26 Tháng 10 2018 03:30

Đình Thơm

Đến thăm ngành GD&ĐT huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong những ngày đầu mùa Đông, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh, hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây. Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; sự chỉ đạo sát sao của ngành Giáo dục, sự vào cuộc của chính quyền thôn bản nên những năm gần đây tỷ lệ học sinh chuyên cần trong các trường học của huyện có nhiều khởi sắc.

sapa 1

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải trong giờ ăn bán trú

Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện Sapa đã nâng cao hơn so với những năm học trước. Theo thầy giáo Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Những năm học trước tỷ lệ chuyên cần của các trường như Tả Phìn là một điều đáng lo ngại. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện Sapa có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh ra lớp cao hơn trong đó tỷ lệ chuyên cần học sinh mầm non đạt 94%, tiểu học đạt 97,78%, THCS đạt 95,15%, riêng trường THCS Tả Phìn tăng 3,77% so với năm học trước, tỷ lệ học sinh vào các trường THPT, trường nghề cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn những trường tỷ lệ chuyên cần chưa được cao, nhưng so với những năm trước đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Có được kết quả như vậy là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã tổ chức vận động, giao trách nhiệm cho mỗi cán bộ, nhân viên, xem xét nguyên nhân của từng học sinh nghỉ học, vận động phụ huynh cho con em đến trường ở bán trú.

Để hiểu rõ hơn tình hình, chúng tôi đến thăm Trường THCS Tả Phìn, ngôi trường nằm trên đồi cao, trong trường được trang trí nhiều mầu sắc, khu vui chơi, khu ăn ở bán trú sạch đẹp, phòng học được bố trí theo đúng mô hình học tập của học sinh. Thầy giáo Trần Xuân Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này, nhà trường có 365 học sinh, tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường đạt 94,39 % tăng 3,77 % so với năm học trước. Để đạt được kết quả đó, ngay từ khi chuẩn bị năm học mới, nhà trường đã làm công tác tham mưu với UBND xã, đưa ra những biện pháp để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Cùng với các cán bộ xã, thầy giáo, cô giáo đến từng nhà vận động các em ra lớp, tổ chức cho phụ huynh ký cam kết giữa UBND xã, nhà trường với phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm với từng học sinh trong lớp, đưa ra những nội dung đảm bảo quyền đi học của các em, trách nhiệm của phụ huynh trong việc cho học sinh đên lớp; sự phối hợp giữa gia đình nhà trường. Nếu gia đình nào có con nghỉ học không có lý do chính đáng sẽ tự nguyện không nhận các nguồn hỗ trợ cây giống, vật nuôi…... Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động như tổ chức văn nghệ, thể dục thể thao, có các phần thưởng nhỏ để thu hút học sinh đến trường. Các thầy giáo, cô giáo quan tâm đến các em học sinh yếu kém, giúp các em tiến bộ cùng các bạn học sinh khác… vì vậy đến nay trường không có học sinh bỏ học”.

sapa 2

Học sinh trường THCS Tả Phìn, trong giờ học

Khi được hỏi đến các phương pháp giúp tỷ lệ học sinh chuyên cần được nâng cao, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ nhiệm lớp 8B chia sẻ: Cô có thời gian dạy ở đây gần 10 năm, những năm trước học sinh nghỉ học bừa bãi không có lý do. Có nhiều em ở độ tuổi này, học sinh miền núi phần lớn là lao động chính trong gia đình, có những học sinh đã lấy vợ, lấy chồng, đầu năm học lại vào mùa thu hoạch nên để huy động được học sinh đến lớp cũng phải vượt qua những khó khăn. Để duy trì được sĩ số, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô cùng phụ huynh đã làm bản cam kết: khi học sinh nghỉ học, phụ huynh phải gọi điện thông báo cho cô giáo chủ nhiệm, học sinh nghỉ không có phép sẽ bị phạt tiền, tiền đó sẽ được cho vào quỹ lớp. Ngoài ra, cô còn chia sẻ, vào mỗi buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, cô dành thời gian tâm sự với các em học sinh, hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, từ đó cô nắm được tình hình, đưa ra những lời khuyên, khích lệ tinh thần đến lớp của học sinh.

Không riêng gì THCS Tả Phìn, Trường PTDTBT tiểu học Trung Chải cũng được sở GD&ĐT quan tâm đầu tư một khu ở bán trú cho học sinh quy mô và hiện đại nhất Lào Cai hiện nay. Công trình phòng ở khép kín được bố trí giường tầng mới đầy đủ tiện nghi, khu bếp ăn sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu nhà ăn được đầu tư bàn ăn mới, hệ thống nồi bếp nấu cơm bằng ga, bát sử dụng bằng INOX đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn như trường nội trú. Chất lượng bữa ăn của học sinh được cải thiện và nâng cao, chính vì vậy nhiều năm trở lại đây tỷ lệ học sinh ăn ở bán trú và tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 98% trở lên.

Để đạt được tỷ lệ học sinh chuyên cần như hiên nay, cao hơn so với những năm học trước; phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sapa thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực trong đó đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập đầy đủ, lành mạnh, điều đó đã mang đến những thành công trong công tác nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các trường học vùng cao như huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai ./.

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516