"Tôi cho là nền giáo dục của ta hiện nay có nhiều lỗi hệ thống nên không thể tìm khâu đột phá riêng lẻ cụ thể nào mà phải đột phá vào từ tư duy hệ thống... Thật đáng sốt ruột đến cháy lòng khi chất lượng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực".
LTS: Những ngày tới đây, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI sẽ thảo luận, tìm ra những giải pháp mới để góp phần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà. Nhân dịp này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao NCL Việt Nam.
- Xét trong thời gian tương đối dài, nền giáo dục Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn. Nhưng những năm gần đây dư luận xã hội rất bất xúc trước nhiều bất cập của nền giáo dục nước nhà. Do vậy, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng liên tục có những cải tiến. Thưa GS, vì sao lại cần phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện nền giáo dục?
GS. Trần Hồng Quân: Có hai lý do chính, về mặt khách quan là từ yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, từ yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế mà sức mạnh trí tuệ phải được coi như một yếu tố quan trọng nhất, là xương sống của sức mạnh quốc gia để phát triển và bảo vệ đất nước. Chính nền giáo dục phải đảm đương vai trò chính xây dựng sức mạnh trí tuệ đó của dân tộc.
Do vậy, sứ mạng to lớn của giáo dục phải được khẳng định với yêu cầu mới. Mặt khác về chủ quan, bản thân nền giáo dục Việt Nam đang hết sức lạc hậu, đang tồn tại quá nhiều yếu kém và bất cập nên không thể không đổi mới tận gốc rễ và toàn diện. Không thể chỉ đổi mới một cách chấp vá, cục bộ.
Chúng ta đã quá chậm rồi. Gần bốn thập niên sau giải phóng thống nhất đất nước, hơn một phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế xã hội rồi mà giáo dục chưa trở thành một đòn bẩy quyết định thúc đẩy sự phát triển toàn xã hội. Thật đáng sốt ruột đến cháy lòng khi chất lượng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực.
- Trong cuộc đổi mới sâu sắc sắp tới thì khâu đột phá là chỗ nào mà hễ tác động vào đó thì toàn bộ hệ thống sẽ hoạt động trôi chảy, thưa GS?
GS. Trần Hồng Quân: Nếu không có lỗi hệ thống thì tìm khâu đột phá chính là tìm khâu hẹp nhất, tìm khâu "thắt cổ chai", khâu giới hạn của hệ thống mà giải quyết. Với nền giáo dục của ta hiện nay, tôi cho là có nhiều lỗi hệ thống nên không thể tìm khâu đột phá riêng lẻ cụ thể nào mà phải đột phá vào từ tư duy hệ thống.
Bên cạnh việc tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng lâu nay, phải vượt qua tầm nhìn cũ, xác định lại sứ mạng, triết lý, những tính chất mới của nền giáo dục, mô hình nhân cách và năng lực, mục tiêu đào tạo, cấu trúc hệ thống giáo dục, về công bằng xã hội. Phải đổi mới một cách căn bản về quản lý giáo dục mới giải phóng được sự năng động sáng tạo của từng cơ sở giáo dục, từng con người làm GD. Phải đột phá về tư duy để làm một cuộc cải cách thật sự trong giáo dục.
- Nhiều nhà giáo, nhà khoa học cũng như dư luận xã hội chỉ ra rất nhiều yếu kém tồn tại trong khi các cải tiến của ngành Giáo dục chưa thấy tạo ra chuyển biến đáng kể. Dường như có sự bế tắc, thưa Giáo sư?
GS. Trần Hồng Quân: Khi vẫn còn các khuyết tật hệ thống chưa được khắc phục thì dường như càng cải tiến càng rối loạn hoặc không thấy hiệu quả, khi đi sai hướng thì càng đi càng xa mục tiêu. Một nền giáo dục mà "hư hỏng" đã trở thành phổ biến thì càng phát triển càng sai lầm.
Thực ra giáo dục không phải khó làm, nhất là ở một đất nước có truyền thống hiếu học như nước ta với sự quan tâm lớn lao của toàn xã hội, của Quốc hội, của Đảng và Nhà nước. Ngay những yêu cầu nghiêm khắc của xã hội đối với giáo dục cũng không chỉ tạo áp lực mà cũng tạo động lực và cơ hội để ngành phát triển. Quan trọng là phải biết vượt khỏi lối mòn trong tư duy và quán tính trong hành động. Không thể cải tiến chấp vá cục bộ với hệ thống tư duy cũ. Anh có thể cải tiến cái thuyền nan tốt cách nào cũng không thể ra biển cả được.
- UNESCO có đề ra nguyên lý giáo dục: "Học để biết. Học để làm. Học để làm người. Học để chung sống". Nếu chúng ta áp dụng điều này sẽ tạo chuyển biến cơ bản cho nền giáo dục nước nhà, thưa GS?
GS. Trần Hồng Quân: Từ năm 1949 khi nói chuyện với trường cán bộ cao cấp của Đảng ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã xác định triết lý về mục đích học tập là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phục vụ đoàn thể, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc".
Khoảng bốn mươi năm sau, ông Jacque Delors, khi đang là Chủ tịch Liên minh Châu Âu, trong tác phẩm viết cho Unesco đã nêu ra: "Học để hiểu biết, để làm việc, để làm người, để cùng chung sống".
Những tư tưởng lớn gặp nhau và bổ sung cho nhau. Thật là quan trọng nhưng không phải mới. Tiếc là chưa được áp dụng có hiệu quả, nhất là học để làm người. Ngay học để làm việc tưởng là do lợi ích trực tiếp của từng người mà được coi trọng nhưng cũng không, mà học để thi, để có bằng cấp đang là động lực phổ biến. Đó chính là do tệ đánh giá con người chủ yếu qua bằng cấp. Đây không chỉ là tâm lý mà còn trở thành một số quy định chính thức trong một số tiêu chuẩn đề bạt cán bộ, trong quy định tuyển dụng của cơ quan này, địa phương kia.
Dù là chỉ dựa vào bằng cấp mà tuyển dụng hay là chỉ dựa vào bằng cấp mà cấm không cho dự tuyển dụng, cũng đều là "bệnh bằng cấp", chỉ cần nhìn bằng cấp, không đánh giá bằng thực lực. Lại cộng thêm với tâm lý quá coi trọng khoa cử từ xưa để lại, làm cho rất nhiều người không học thực, dạy thực. Và càng ít quan tâm đến động cơ học để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc.
- Xin GS nêu vài nét khái quát về đội ngũ thầy giáo trong cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục sắp tới?
GS. Trần Hồng Quân: Khi phải có những đổi mới quan trọng về chương trình, nội dung, phương pháp theo sự thay đổi của mô hình nhân cách, mục tiêu đào tạo, thì đương nhiên phải có những yêu cầu mời đối với đội ngũ thầy giáo, nhất là về chất lượng. Phải tiêu chuẩn hoá ở mức cao hơn, phải bồi dưỡng và đòi hỏi tự bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ hiện có. Ngành sư phạm phải đổi mới đi trước một bước, tổ chức đào tạo mới và đào tạo bổ sung.
Nhưng quan trọng nhất là phải có chế độ đãi ngộ thoả đáng mới thu hút và giữ được người giỏi làm thầy. Trước đây, có lúc ngành sư phạm không tuyển được thí sinh giỏi như câu cửa miệng: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Khi có Nghị quyết TW 2 khoá 7, hệ số lương thầy giáo được nâng lên 1,5 thì ngành sư phạm dễ dàng tuyển được nhiều sinh viên giỏi. Đến mấy năm gần đây hệ số đó không còn có ý nghĩa trong thực tế nữa, nghề giáo lại khó sống. Ngành sư phạm lại bị chê. Chuyện cơm áo quả là không đùa với nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Không thể kéo dài tình trạng này nếu muốn vực nền giáo dục thực sự đi lên.
Theo: GDVN