Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcGiáo sư Trần Hồng Quân qua đời – Một tổn thất to lớn đối với Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Giáo sư Trần Hồng Quân qua đời – Một tổn thất to lớn đối với Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Thứ bảy, 26 Tháng 8 2023 03:53
BBT: Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Người sáng lập đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Trí tuệ nay là Tạp chí Giáo dục và Xã hội qua đời chiều 25/8 tại Bệnh viện Quân y 175, TP. HCM, ở tuổi 87.

 B Quân

GS. TS. Trần Hồng Quân (1937-2023)

Lễ tang GS. Trần Hồng Quân được tổ chức với nghi thức Lễ tang Cấp cao. Lễ viếng từ 11h ngày 27/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp), Thành phố Hồ chí Minh.

GS. Trần Hồng Quân quê xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII; nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Ông từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1961. Năm 1975, ông làm Trưởng khoa Cơ khí tại Đại học Bách khoa TP. HCM và trở thành Hiệu trưởng từ năm 1976 đến 1982.

Từ năm 1987, ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập và làm Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2005-2021, sau đó là Chủ tịch Hội đồng cố vấn cho Hiệp hội này. Ông là người Sáng lập  đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Trí tuệ, nay là Tạp chí Giáo dục và Xã hội. Mặc dù công việc rất bận rộn, GS Trần Hồng Quân luôn quan tâm, cho nhiều ý kiến chỉ dạo sâu sắc, thiết thực để Tạp chí Giáo dục và Xã hội ngày càng tiến bộ, góp phần tích cực trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo nước nhà.

Q2

GS Trần Hồng Quân phát biểu chỉ đạo với Cán bộ, Biên tập viên Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Hơn 30 năm là cộng sự thân thiết, PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: GS Trần Hồng Quân đã dành cả đời để cống hiến cho giáo dục, luôn trăn trở phát triển giáo dục đại học Việt Nam, Giáo sư mất đi là mất mát không thể bù đắp với Hiệp hội và nỗi buồn rất lớn với những người làm giáo dục như chúng tôi. GS Quân đã đưa những chính sách thay đổi rất căn cơ, tạo nên chuyển biến đột phá với nền giáo dục của đất nước.

Trước hết phải kể đến chương trình xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và phân cấp các trường sư phạm. Mỗi tỉnh có một trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên từ mầm non đến THCS, trong khi các trường đại học đào tạo giáo viên THPT và bậc cao hơn.

PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết: Ngay khi làm Bộ trưởng, GS. Quân đặc biệt ủng hộ xu hướng mở trường đại học ngoài công lập. Với sự ủng hộ đó, năm 1988, Đại học Thăng Long là trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập do bà Hoàng Xuân Sính làm Hiệu trưởng; Sau đó, hàng loạt trường đại học tư thục khác ra đời như Duy Tân, Bình Dương, Hải Phòng.

GS. Trần Hồng Quân đã đưa ra 4 tiền đề đổi mới giúp hệ thống giáo dục đại học tiếp cận cơ chế thị trường, xã hội hóa.

Đó là các trường đại học vừa tuyển sinh theo chỉ tiêu Nhà nước giao, vừa mở rộng để phục vụ xã hội nhằm khai thác hết công suất. Trường được thu học phí theo quy định của Nhà nước. Học phí và các khoảng thu nhập chính đáng được trường tự chủ sử dụng minh bạch mà không phải nhập vào ngân sách.

Thứ ba, quỹ học bổng của Nhà nước thay vì chỉ cấp cho sinh viên diện chính sách sẽ có thêm phần cho học bổng khuyến khích học tập. Cuối cùng, Bộ công khai phân bổ ngân sách cho các trường, xóa bỏ phần dự trữ của Bộ thường được dùng theo cơ chế xin - cho.

GS. Quân cũng khuyến khích các trường đại học chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần. Ngoài ra, Bộ chủ trương từng bước mở rộng phân cấp quản lý, tiến tới các trường tự quản.

Q1

GS. Trần Hồng Quân với Cán bộ, Biên tập viên, Nhân viên Tạp chí Giáo dục và Xã hội.

Một cải cách chấn động do GS. Quân đưa ra, theo PGS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM là:  Chính sách bầu cử Hiệu trưởng ở tất cả trường đại học vào năm 1989. Tất cả giảng viên, nhân viên, đại diện sinh viên đều được tham gia bầu Hiệu trưởng. Giảng viên, nhân viên làm việc trên 5 năm được tính mỗi người một lá phiếu, dưới 5 năm được tính là nửa phiếu. Đại diện sinh viên được chia một tỷ lệ phiếu nhất định.

Mỗi trường thường có bốn ứng viên, lần lượt thuyết minh, trao đổi với từng khoa về quan điểm, chính sách giáo dục, quản lý của mình để giành phiếu bầu. PGS. Tống đánh giá những Hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị. Chính sách bầu cử Hiệu trưởng của GS. Quân tạo ra không khí hồ hởi, dân chủ, thúc đẩy phát triển ở các trường đại học, rất tiếc sau đó không được tiếp tục.

"Có thể nói GS. Quân là người đưa ra nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học để các trường có được hình hài như hiện nay…" – PGS Nguyễn Thiện Tống nói.

Giáo sư Trần Hồng Quân là Người Sáng lập, lãnh đạo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Biên tập, Người Thầy lớn, mẫu mực của cán bộ, phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên Tạp chí Giáo dục và Xã hội trong nhiều năm qua. Giáo sư Trần Hồng Quân mất đi là một tổn thất to lớn đối với Tạp chí Giáo dục và Xã hội. Toàn thể cán bộ, phóng viên, Biên tập viên và cộng tác viên Tạp chí Giáo dục và Xã hội xin nghiêng mình vĩnh biệt Giáo sư Trần Hồng Quân và xin được chia sẻ niềm tiếc thương trong nỗi đau buồn sâu sắc nhất tới gia quyến Giáo sư Trần Hồng Quân../

 Ban Biên tập

Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516