Bước đi vững chắc từ cách làm mới
Lào Cai là tỉnh biên giới với nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, địa hình phức tạp nhiều đồi núi, cái đói, cái rét vẫn đang theo đuổi người dân ở nơi vùng sâu, vùng xa. Để từng bước làm đổi thay bộ mặt xã hội của cả tỉnh thì công tác giáo dục phải được chú trọng nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Khi đưa Đề án Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi vào triển khai thực hiện thì tất cả mọi người đều không khỏi hoài nghi và đặt câu hỏi, một tỉnh nghèo với điểm xuất phát thấp thì việc làm phổ cập là một bài toán khó giải.
Đường đến trường của học sinh vùng cao huyện Sa Pa – Lào Cai
Được lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm; trong nhiều năm qua với những nỗ lực rất lớn của nhân dân các dân tộc, tỉnh Lào Cai đã bước đầu thành công trong công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Từ bước đi vững chắc và cách làm mới mẻ, Lào Cai đã khẳng định được là điểm sáng trong bức tranh đầy màu sắc của ngành Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc. Điểm sáng đó không chỉ được thể hiện ở mạng lưới trường lớp khang trang sạch sẽ các địa phương vùng thấp mà các thôn bản vùng sâu, vùng xa đều có lớp học cho các cháu mầm non, điều đó được coi là nền móng quyết định xây dựng vững chắc cho các cấp học tiếp theo.
Công tác PCGDMN được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 ( một trong năm lĩnh vực trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới). Sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện cho tới thôn bản và từng hộ gia đình, có thể nói ở đây người người, nhà nhà đều chung tay xây dựng công tác PCGDMN. Quyết tâm của Lào Cai còn được thể hiện qua sự chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu PCGDMN; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án trên cùng một địa bàn; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát nhiệm vụ PCGDMN đối với các đơn vị cơ sở thúc đẩy thực hiện để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Để phát triển giáo dục và PCGDMN, Lào Cai đã bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đảm bảo đủ phòng học và các công trình phụ trợ theo quy định của Điều lệ trường Mầm non; bảo quản, sử dụng có hiệu quả tài liệu, thiết bị đồ dùng, đồ chơi; phát huy vai trò chủ động của các đơn vị xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho biết: Đến nay, sau ba năm thực hiện nhiệm vụ PCGDMN, UBND tỉnh đã tập trung các nguồn lực với tổng mức đầu tư là 588,7 tỷ đồng để xây dựng công trình, mua thiết bị đồ dùng cho các lớp 5 tuổi, thực hiện chính sách cho trẻ em ăn trưa tại trường; thực hiện chính sách cho giáo viên. Trong 2 năm 2011, 2013, tỉnh Lào Cai đã đưa vào biên chế hơn 1.200 giáo viên, để các thầy cô giáo ổn định an cư, lạc nghiệp, chuyên tâm hơn cho sự nghiệp giáo dục ở tỉnh miền núi. Đặc biệt, Ban chỉ đạo PGGDMN các cấp đã nâng cao quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có hiệu quả nhiệm vụ phổ cập giáo dục, làm tốt công tác tuyên truyền đến hộ gia đình để đảm bảo duy trì số lượng trẻ em 5 tuổi đến trường, duy trì tỉ lệ chuyên cần và ăn bán trú tại trường. Cùng với đó, Lào Cai đã huy động được tối đa số lượng trẻ 4 tuổi đến trường, lớp và từng bước huy động trẻ 2, 3 tuổi ra lớp.
Thành quả đạt được
Theo bà Trịnh Thị Én, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Sa Pa: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ vai trò của giáo dục mầm non đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng từ đây, nhân dân tin tưởng vào nhà trường, đưa con đến trường, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường. Các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã tích cực tham gia vào công tác phổ cập. Không thể nói hết được niềm vui rạng ngời hiện rõ trên khuôn mặt của những người dân quanh năm chỉ biết cấy cày, vì hôm nay kết quả công tác Phổ cập GDMN mang đến sự yên tâm khi con em họ đã được chăm lo tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ, cái đói cái rét được đẩy lùi”.
Cô và trò Ttrường Mầm non thị trấn Sa Pa trong ngày được công nhận PCGDMN
Trường MN thị trấn Sa Pa là một ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt, chăm sóc tốt, có nhiều thành tích đáng kể với số giáo viên dạy giỏi ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt 100% tỉ lệ huy động trẻ ra lớp. Trong chương trình PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nhà trường xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và của toàn xã hội. Vì vậy nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các bậc phụ huynh, vận động sự ủng hộ nhiệt tình từ cha mẹ học sinh, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các cháu. Theo tiêu chí đạt Chuẩn, các cô giáo dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi, 100% giáo viên đạt trình độ trên Chuẩn và được biên chế 2 cô / lớp, đó là niềm tự hào của các cô giáo vùng cao. Tập thể cán bộ sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xứng đáng là một trong những điểm sáng về chất lượng giáo dục của huyện Sa Pa.
Học sinh Ttrường MN Khánh Trung huyện Văn Bàn – Lào Cai
Chúng tôi đã có chuyến thực tế tại các trường mầm non của huyện Sa Pa, Bát Xát và huyện Văn Bàn, ở mỗi trường đều có cách làm rất khác nhau nhưng đều chung mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học và chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Trường Mầm non Khánh Trung thuộc huyện Văn Bàn, các phụ huynh thay nhau đến trường phụ giúp các cô giáo nấu cơm và trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các cháu, đồng thời để được chăm sóc cho chính con em mình.
Trường Mầm non Bản Vược, huyện Bát Sát cũng có cách làm như vậy… Ở huyện Sa Pa, chúng tôi đi bộ hơn 5 km đến thăm điểm học tại đội 6, xã San Xảo Hồ 2 khi thời tiết Sa Pa lúc này nhiệt độ đang ở 1độ C. Trời giá rét, khi thấy chúng tôi có nhã ý muốn đi điểm lẻ, một cô giáo cho biết: “ đường khó đi lắm, trời rét thế này không biết học sinh có đến lớp hay không?”. Theo thông báo của Phòng Giáo dục huyện Sa Pa, ngày hôm nay (23/12/2013) các em học sinh sẽ nghỉ đông. Tuy nhiên cô giáo vẫn nói lại, thông báo của Phòng là nghỉ nhưng trường vẫn bố trí cô giáo ở các điểm trường đều phải đến đầy đủ vì có những trường hợp phụ huynh vẫn đưa con em mình đến lớp.
Các em học sinh lớpMG 5 tuổi bên đống lửa tại điểm trường đội 6 xã San Xảo Hồ 2, huyện Sa Pa
Ảnh: Đình Thơm
Điều đó đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm lên đường. Đi mất hơn một tiếng đồng hồ, nhìn xa xa trên lưng chừng đồi thấy có một ngôi nhà mái đỏ tươi, lội qua một con suối lạnh buốt rồi chúng tôi cũng có mặt tại điểm trường. Điểm trường này có hai lớp, một lớp 5 tuổi và một lớp 3, 4 tuổi. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là, lớp 5 tuổi có tổng số 20 học sinh vẫn có đủ 100% học sinh đến lớp! Trời quá rét, cô giáo đã đốt lửa trong lớp cho các em sưởi. Bên ngọn lửa ấm áp, chúng tôi biết, đó là tình thương lẫn sự che chở của các cô dành cho các em. Lớp học được trang trí nhiều hình ảnh ngộ ngĩnh, được bố trí ngăn nắp, dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo vùng cao. Lớp học được trang bị đầy đủ: bếp ăn, công trình phụ… So với các trường, các lớp ở miền xuôi, chúng tôi thiết nghĩ tỉnh Lào Cai đã quan tâm thực sự đến các cháu ở vùng sâu, vuàng xa, như lời một đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết: “chúng tôi làm PCGDMN không phải làm chính trị mà vì quyền lợi của nhân dân”. Câu nói trên thật thấm thía và thực sự đi vào lòng dân. Phải nói, cuộc “cách mạng” của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai về công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã thắng lợi mà trước đây ít ai nghĩ Lào Cai có thể làm được trong khi một số tỉnh vùng thấp vẫn còn không ít khó khăn hay khiêm tốn mà chưa được cấp trên có thẩm quyền công nhận? Tỉnh Lào Cai đã hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn 2 năm đã làm rạng rỡ tỉnh biên giới Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Kỳ sau: “ Ngọn lửa hồng sưởi ấm trẻ vùng cao”
Đình Thơm – Hằng Nga