Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói về về tầm quan trọng của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khi bà đi thăm hai trường ĐH Quốc tế Miền Đông và ĐH Bình Dương tại tỉnh Bình Dương hôm 1/4 vừa qua. Trong chuyến đi còn có nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân (trái) đang lắng nghe Giáo sư, Viện sĩ Cao Văn Phường, Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương báo cáo thành tích mà trường đạt được.
"Khâu tuyển sinh có khó khăn thì phải giải quyết ngay"
Phát biểu trong chuyến làm việc, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đặt vấn đề: “Bây giờ, đất nước ta cái gì khó nhất? Cái gì cũng khó! Nhưng có lẽ cái khó nhất là kinh tế của ta phát triển quá chậm, dù tiềm năng không phải là không có. Kinh tế của đất nước không vững thì về chính trị, về đối ngoại cũng khó lắm. Hay như vấn đề Biển Đông, tôi thấy khó đấy, nhưng nếu chúng ta vững về mặt kinh tế, vững về mặt chính trị, tức là khối đại đoàn kết dân tộc tốt, chúng ta không sợ gì cả. Nhìn lại cuộc kháng chiến của chúng ta vừa qua, khó khăn, gian khổ hơn nhiều mà chúng ta vẫn giành được chiến thắng, đó là nhờ bằng sự đoàn kết của dân tộc, trí tuệ, quyết tâm của toàn dân”.
Bà chỉ rõ: “Một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế chậm chạp là do nguồn nhân lực của ta kém. Ở đất nước ta, ngay cả lao động phổ thông, còn kém nữa cơ mà. Thấy tình hình như vậy, tôi buồn quá! Vì sao chúng ta kém thế này? Chúng ta, đặc biệt là các nhà làm kinh tế, phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều”.
Đã từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trong thời gian từ năm 1976-1987, bà đưa ra kinh nghiệm: “Nghị quyết Trung ương của Đại hội XI nêu: Một trong những đột phá của đất nước là tạo ra nguồn nhân lực cao. Nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cao chính là các trường Đại học, Cao đẳng. Tôi cũng quan tâm rất nhiều đến giáo dục phổ thông, tôi thấy giáo dục phổ thông của chúng ta cũng không tốt. Chúng ta phải đào tạo bậc phổ thông như thế nào, để con em chúng ta có một nền tảng về nhân cách, trong đó có vấn đề về tác phong làm việc. Theo tôi, các trường Đại học, Cao đẳng cũng phải quan tâm rèn luyện sinh viên về vấn đề nhân cách”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân (thứ 3, từ trái sang) đang trò chuyện với lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế Miền Đông.
Từ đó, bà nêu cao vai trò của các trường ĐH, CĐ nằm ngoài hệ thống công lập. “Hiện nay cả nước ta, có khoảng 400 trường ĐH và CĐ, trong đó có 81 trường ngoài công lập. Dân số nước ta là 86 triệu, chỉ có 400 trường ĐH, CĐ không phải là nhiều. Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo phải làm cách nào để giúp cho các trường ngoài công lập hoạt động được”.
GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chỉ ra những khó khăn lớn mà các trường đang gặp phải như: không được nhà nước đầu tư, hoạt động bằng học phí của sinh viên (tất nhiên phải thu học phí cao hơn các trường công lập) khiến cho khó cạnh tranh với các trường công lập...
Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Bình trăn trở: “Nhà nước đã cho phép mở trường ngoài hệ thống công lập thì phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển tốt hơn, chứ không thể nào để các trường này không hoạt động được là dẹp, vì đây là vấn đề chính trị xã hội chứ không phải riêng ngành giáo dục nữa. Tất nhiên, anh em ở các trường ngoài công lập phải cố gắng. Vấn đề đặt ra: nếu trong khâu tuyển sinh có khó khăn thì phải giải quyết ngay. Nhưng về lâu dài, vấn đề thi cử cũng phải cải cách, đổi mới. Mỗi năm, ở nước ta có hai kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông và Đại học, tốn cả mấy nghìn tỷ nhưng chẳng có hiệu quả như mong muốn. Cần thiết nhất của giáo dục chính là chất lượng”.
Bà nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của các trường nằm ngoài hệ thống công lập: “Các trường ĐH, CĐ công lập không đủ sức để cung cấp nguồn nhân lực trong tình hình kinh tế phát triển. Vì vậy, đất nước rất cần thiết có nhiều trường ĐH, CĐ tốt, chất lượng nằm ngoài hệ thống trường công lập, còn hệ thống trường công lập nên giữ đúng vai trò của nó, làm nòng cốt cho nền giáo dục của cả nước".
Bà cũng nhắc nhở các lãnh đạo địa phương: “Các cấp chính quyền địa phương cũng phải quan tâm các vấn đề về giáo dục. Tôi từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhiều anh em nói: “Cô ơi, tui làm việc với Bộ chỉ có mấy ngày, còn với tỉnh thì quanh năm. Nếu tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp quá, sợ mấy ổng cách chức tui”. Điều đó cho thấy, “bệnh” thành tích là do chính quyền, chứ không phải do ngành giáo dục đâu! Cho nên đây là trách nhiệm chung”.
"Đây là một trận đánh và đánh phải thắng”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Miền Đông báo cáo tình hình hoạt động của trường cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân.
Sau khi thăm và làm việc với Trường ĐH Quốc tế miền Đông, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khen ngợi cơ ngơi hiện đại và phương pháp đào tạo lấy chất lượng hàng đầu của trường. “Tôi được biết, trường ĐH Quốc tế Miền Đông mới thành lập 2 năm nay. Trong 2 năm, thời gian quá ngắn để làm được những điều chúng ta mong muốn, nhưng tôi hoan nghênh lãnh đạo trường có nhiều suy nghĩ mới, đột phá, rất cần thiết trong thời điểm khó khăn hiện nay”, bà nói.
“Cách đây mấy ngày, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân có nói với tôi: "Chị phải đến thăm trường ĐH Quốc tế Miền Đông. Chị phải đến… Em thấy nơi đây họ làm tốt lắm, bằng tài chính, tư duy của mình, không chờ đợi nhà nước bao cấp". Qua báo cáo của Hiệu trưởng nhà trường, tôi rất mừng vì lời anh Quân rất chính xác".
Bà chia sẻ với lãnh đạo trường ĐH Quốc tế Miền Đông: “Nếu các đồng chí rút ra các bài học từ đất nước, từ nước ngoài để tạo lập hướng đi riêng cho mình, tôi nghĩ các đồng chí sẽ làm rất tốt, vì các đồng chí có nhiều điểm thuận lợi. Mục tiêu của các đồng chí đặt ra tôi thấy cũng rất hợp lý: Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Dĩ nhiên, khi các đồng chí làm điều đó tốt, danh tiếng sẽ lan tỏa cả nước, nguồn nhân lực đào tạo không chỉ cung cấp cho riêng Bình Dương nữa mà còn có rất nhiều địa phương khác của cả nước đón nhận. Tôi mong rằng các đồng chí coi đây là một trận đánh và đánh phải thắng”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo ĐH Bình Dương, bên tảng đá có dòng chữ "Học - Hỏi - Hiểu - Hành", là phương châm đào tạo của trường.
Đến thăm ĐH Bình Dương, bà Nguyễn Thị Bình vui mừng: "Tôi biết anh Cao Văn Phường cách đây 15 năm, khi anh vừa mới đưa ra sáng kiến thành lập hệ thống giáo dục mở, dân lập. 15 năm cũng đủ để thấy những cố gắng, phấn đấu của anh Phường và tập thể lãnh đạo của ĐH Bình Dương, đã xây dựng thành một một trường ĐH chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương và các tỉnh miền Đông, được nhiều sinh viên tín nhiệm".
Bà nhận định: "Đến bây giờ, chúng ta có nhiều chủ trương hay lắm nhưng thực hiện chưa hay. Do đó, các trường Đại học, Cao đẳng nẳm ngoài hệ thống trường công lập còn gặp quá nhiều khó khăn. Tôi muốn nói với các đồng chí, đừng trông chờ vào nhà nước, nhà nước cũng là chúng ta thôi, phải lo lắng nhiều thứ lắm. Đừng đợi nhà nước chỉ đạo, rót ngân sách thì mới làm. Nếu chúng ta chờ đợi, nền giáo dục của đất nước sẽ chậm. Phải chủ động thôi. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, có chất lượng. Tôi rất mừng là các đồng chí lãnh đạo ở ĐH Bình Dương đã quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, thành lập ra một trường đại học hiện đại về cơ ngơi, đổi mới về cách dạy”.
Theo: GDVN