Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcNHỮNG TIÊU CHÍ KHÔNG THỰC HIỆN ĐƯỢC CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NHỮNG TIÊU CHÍ KHÔNG THỰC HIỆN ĐƯỢC CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Thứ sáu, 01 Tháng 3 2013 07:45
GS. HOÀNG XUÂN SÍNH Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long              Văn bản số 13/KL-BGDĐT cuối năm 2011 đã đưa ra kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường của một số trường đại học ngoài công lập (NCL), trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã căn cứ vào các tiêu chí như đất đai, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu để đưa ra hình thức đình chỉ tuyển sinh, hoạt động của trường. Các tiêu chí đó phải nói là một điều không thực tế trong tình hình kinh tế của đất nước, đừng nói là hiện tại mà còn lâu trong tương lai mới đạt được, ngay cả đối với các trường công lập mới thành lập. Tôi đã có dịp ngồi ở ghế hội đồng quản trị của một trường đại học tư của Pháp những năm cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này. Các tiêu chí đó, nếu áp dụng vào nước Pháp – một nước mới có những đại học tư bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước (tất nhiên trừ một số đại học tư của công giáo, ra đời từ thế kỷ 11, trước khi có hệ thống đại học công lập) nghĩa là cũng chỉ có hệ thống đại học NCL trước ta vào khoảng gần 20 năm – thì cũng phải nói là họ cũng xin hàng không làm nổi.

Đúng là Bộ GD&ĐT đã đưa ra các điều kiện đó đối với các trường NCL khi làm đơn xin thành lập, nhưng tôi cũng phải xin lỗi khi tôi dám chắc là Bộ biết rằng các điều kiện đó là quá cao không thực hiện được, còn người nộp đơn xin mở trường tôi nghĩ họ cũng biết là quá xa vời. Nhưng làm cách nào đó người ta vẫn xin được phép mở trường thì tôi không biết. Không ở trong nội bộ câu chuyện tôi không dám nói liều, nhưng bên ngoài người ta nói được giấy phép là do cơ chế xin- cho, nghĩa là Bộ đã tạo ra những chính sách mà cả Bộ và người xin đều biết là rất khó thực hiện nhưng hai bên vẫn làm thế nào mà vẫn có giấy phép… thì cái đó người ta nói rằng cơ chế xin – cho. Hiện nay việc tạo cơ chế xin cho không chỉ có ở Bộ GD&ĐT, mà nó ở rất nhiều nơi, các nhà doanh nghiệp cũng đã kêu trời vì cơ chế này.

 

Sau khi trường được phép mở rồi, Bộ GD&ĐT lại cho thanh tra đến trường để xem thực hiện cam kết thế nào: có bao nhiêu diện tích đất/sinh viên, trường xây đã đủ phòng ốc chưa, có bao nhiêu sinh viên/giáo viên cơ hữu, có tối thiểu một tiết sĩ đứng đầu ở mỗi ngành chưa?vv và vv… Khách quan mà nói, điều này các trường không thể thực hiện được ngay trong vài năm, phải ít nhất mấy chục năm nếu có may mắn, ta cứ nhìn các trường công phải mất bao nhiêu năm thì biết ngay. Điều kiện đưa ra như thế là không thực hiện được, cho nên có phạt đi chăng nữa thì vẫn thế thôi, cùng lắm các trường sẽ đóng cửa. Như vậy, khi đã cho phép thành lập rồi thì Bộ GD&ĐT lại quên mất vì sao mình cho phép và Bộ bây giờ chỉ áp dụng luật để xử phạt. Tất cả các câu chuyện nó xảy ra là như vậy. Nếu chúng ta chỉ nhìn ở góc độ xử phạt mà không nhìn vì sao Bộ lại cho phép thành lập trường thì Bộ có lý, luật là như vậy. Nếu là Thanh tra Chính phủ tôi sẽ thanh tra để tìm hiểu xem với một chính sách không thể thực hiện được như vậy mà tại sao vẫn có giấy phép? Bên xin vẫn biết là khó thực hiện nhưng vẫn xin, bên cho dù biết là rất khó nhưng rồi vẫn cho, vậy thì cái gì xảy ra ở đây? Đó là một câu hỏi đáng để Chính phủ cho thanh tra.

 

          Tình hình thực tế của các trường NCL mở bắt đầu từ năm 2005, nghĩa là từ khi có quy chế 14 về tổ chức và hoạt động trường đại học tư thục, các bạn đồng nghiệp ở một số trường cho tôi biết cụ thể, vắn tắt là: bạn có vào khoảng 200 tỉ đồng để triển khai xây dựng trường, khoảng 50 tỉ cho đền bù đất, trên dưới 100 tỉcho việc xây dựng trường, tiếp theo là tuyển giáo viên, nhân viên, mua thiết bị, nghĩa là cũng hết 200 tỉ; nghe số tiền có vẻ to, nhưng trường còn rất ngổn ngang và tạm bợ, tôi đã tận mắt được xem. Các bạn cũng nghĩ là bước đầu như vậy cũng có thể tuyển sinh được, nhưng thực tế lại không như vậy. Vì sao? Vì địa thế của trường. Trường ở những địa phương đã có nhiều trường công, trường sở đã không bằng các trường công đã có trước, lại thêm ở xa trung tâm thành phố hơn các đồng nghiệp, thế thì làm sao có sinh viên? Trong khi số sinh viên hàng năm không thay đổi, nhưng số trường ở mỗi tỉnh thành cứ tăng nhanh chóng mặt, nhất là trường cao đẳng công chuyển thành đại học công. Nếu không ở nơi đã có nhiều trường thì lại ở giữa cánh đồng không bóng người trừ mấy bác nông dân đang đi cày. Vì không có người học, trường chỉ là tòa nhà bỏ hoang. Thăm các phòng lớp, tôi thấy có cả phòng Liên thông. Thì ra các đồng nghiệp của tôi đã tìm hết cách để tuyển sinh, dùng ngay cả kiểu liên thông mà chưa chắc đã được Bộ GD&ĐT cho phép. Hiện tôi được biết, một số trường đã phải lấy tiền túi hàng tháng để trả lương các thầy vì tuyển sinh không đủ, làm thế thì sẽ tồn tại được bao lâu? Nước ta nghèo lắm, ai xót xa cho cảnh hoang phí này?

 

          Các trường tư đã vậy, các trường dân lập thì sao? Phải nói là các trường đại học dân lập ra đời trước các trường đại học tư nên có may mắn hơn. Những năm trước 2005, trường đại học công chưa ra đời ồ ạt như những năm gần đây, nên việc tuyển sinh có dễ hơn, không có chuyện tuyển sinh không đủ chỉ tiêu như bây giờ. Thêm nữa, lúc đó Bộ GD&ĐT chưa cho ra đời những tiêu chí về đất đai, về giảngviên ngặt nghèo. Mặt khác, phần lớn các trường đại học dân lập đều được ở những thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mấy cái may mắn đó đã giúp các trường sống sót, trừ một số trường vì những cái rủi cá biệt. Cho đến năm 2006, Thủ tướng ra quyết định cho phép và yêu cầu 19 trường đại học dân lập chuyển sang tư thục, hạn hết tháng 7/2007 phải chuyển song tất cả. Bộ GD&ĐT đã cho ngay lộ trình chuyển đổi trong tháng 9/2006. Nhưng đến nay bao nhiêu đại học dân lập đã chuyển xong, không ai có con số chính thức từ bộ GD&ĐT cả. Tuy vậy những sóng gió mà các trường dân lập phải chịu đựng do lộ trình chuyển đổi đầy khó khăn thì tất cả các trường dân lập đều biết vì bản thân trải qua và nghe đồng nghiệp kể. Chính con số ít ỏi chuyển được dân lập sang tư thục chứng tỏ nhiều điều không hợp lý trong lộ trình Bộ GD&ĐT đưa ra. Bây giờ với Luật Giáo dục Đại học vừa ban hành, ta chỉ có trường công và trường tư, không có trường dân lập, thế thì các trường này sẽ hoạt động theo luật nào đây?

 

          Có lẽ bây giờ là thời điểm Bộ GD&ĐT cần nói chuyện với các trường đại học NCL để tìm hiểu ta có cần giữ mô hình trường đại học dân lập này nữa không, nếu giữ thì phải làm thế nào cho tốt hơn, không thể hoang phí tiền của dân như thế này mãi được.

 

          Có lẽ dù muốn dù không, ta buộc phải có những đại học tư để dồn tiền của xây dựng đại học công, không để nhếch nhác mãi như hiện giờ về trường sở, lương giáo viên, đời sống sinh viên ở trường và nghiên cứu khoa học. Hai loại đại học công cần tập trung ngân sách vào để xây dựng:

 

  1. 1.Đại học công, tối thiểu bằng khu vực, với hai Đại học quốc gia và một số ít trường đại học kỹ sư và sư phạm.
  2. 2.Đại học công ở tỉnh, mỗi tỉnh chỉ một trường đại học với ngành nghề và lĩnh vực tùy theo phát triển kinh tế của tỉnh.

Ta cần kiêm tốn khi xây dựng mạng lưới đại học, phải xem xét kinh tế có kham nổi một số lớn hơn 400 trường đại học như hiện nay hay không, sự hỗn loạn hiện nay của giáo dục có sự đóng góp của con số hơn 400 này.

 

     Đối với các đại học tư, tình hình hiện giờ không cho phép nhà nước hỗ trợ tài chính như ở các nước, nhưng về chính sách thì ta hoàn toàn làm được, mà trước hết là bỏ các chính sách tạo cơ chế xin – cho để triệt tham nhũng của quan chức, cho phép trường mở ở những nơi có thể tuyển sinh được, Bộ GD&ĐT cùng địa phương giúp trường có đất sạch, có kế hoạch phân bổ giáo viên giúp trường. Cuối cùng, điều không thể thiếu mà mọi nơi trên thế giới đều làm, đó là tuyển sinh viên tốt nghiệp làm việc ở địa phương.

 

     Từ trước tới nay, các trường NCL đã có nhiều quy chế tổ chức và hoạt động do Nhà nước ban hành, điều đó chứng tỏ lãnh đạo vẫn đang tìm hiểu cơ chế cho hoại hình trường này. Chúng tôi đề nghị nên tham khảo quy chế các tường tư của Pháp, vì họ khá giống ta: các trường tư của họ cũng mới ra đời như ta, đóng vai trò rất nhỏ trong hệ thống trường công của họ. Cho nên nhìn các đại học tư của Mỹ vì chúng ra đời từ mấy trăm năm, trước cả trường công và lại có nhiều trường tư của họ đứng đầu cả thế giới; các trường tư như vậy không thể bắt chước được, nhất là các đại học của ta đang rất yếu kém, mọi bắt chước chỉ mang lại thiệt hại cho ta./.

Nguồn:

          Bài đăng theo tài liệu Hội thảo “Giáo dục đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam những bất cập từ góc độ chính sách” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tổ chức ngày 22/1/2013 tại Hà Nội.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516