7 lãnh đạo Sở vùng thi đua số 5 ký kết thi đua vùng
Thẳng thắn nhìn vào khó khăn:
“ Chúng ta ngồi đây là để cùng nhau nhìn nhận những vấn đề thực tế trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mà các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đang phải đối mặt. Vì vậy, tôi mong các đồng chí thẳng thẳn cùng nhau thảo luận, chỉ ra những khó khăn để cùng nhau tháo gỡ”-Thứ trưởng yêu cầu và mang một thông điệp rất thẳng thắn đến hội nghị giao ban vùng. Thay mặt vùng, đồng chí Nguyễn Hồng Liêu-giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm học của vùng thi đua số 5 với Thứ trưởng.
Ông Mai Hữu Cường, phó giám đốc sở GD tỉnh Bình Thuận phát biểu, kiến nghị
Theo đó, nổi bật và đáng chú ý nhất nửa đầu năm học 2012-2013 của khu vực Đông Nam Bộ chính là công tác huy động trẻ ra lớp và kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học của khu vực ngày càng giảm theo hướng bền vững, với tỉ lệ giảm bình quân từ 0,13 đến 0,3%. Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc xiết công tác kiểm định được đã có những chuyển biến rõ rệt khi hiệu quả đào tạo ngày càng cao. Tuy nhiên, theo trưởng vùng thi đua số 5, khó khăn chung của toàn vùng vẫn tập trung nhiều vào 4 nhóm vấn đề chính: Đó là việc thực hiện và hoàn thành công tác phổ cập MN 5 tuổi(kinh phí và đội ngũ). Công tác thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ Sở, phòng (bất cập trong đãi ngộ). Sự thiếu hụt đội ngũ GV (xét theo định biên) dạy tiếng Anh, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý học sinh nội trú, thư viện trường(chưa có biên chế). Công tác kiện toàn cơ sở vật chất, kết thúc đề án kiên cố hóa trường lớp một số địa phương vẫn chưa kịp tiến độ, khiến việc quá tải và thiếu trường lớp vẫn còn (giải ngân chậm, thiếu kinh phí).
Đồng chí Nguyễn Thanh Giang-giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng: Việc thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của Chính Phủ là rất đúng đắn. Nhưng nếu không giải quyết bài toán nhân sự, định biên tăng thêm cho các trường thì rất khó để hoàn thành. Đặc biệt, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ CB quản lý, công tác nâng cao chất lượng giáo dục mà không đi kèm với chế độ phù hợp sẽ rất khó tạo sự chuyển biến.
Đồng quan điểm, ông Trần Hiếu-phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thẳng thắn: Chế độ chính sách của ngành giáo dục nói một cách chính xác là còn khá nhiều bất cập. Các chính sách, chế độ đãi ngộ cho GV, đội ngũ CB quản lý, chuyển ngạch công tác còn quá chồng chéo, chưa sát với thực tế. “ Tôi thấy việc thực hiện chế độ thâm niên cho nhà giáo là rất tốt, nhưng cần phải làm một cách linh hoạt hơn. Không nên đặt nặng vấn đề chi trả bao nhiêu tiền cho GV theo kiểu mua đứt-bán đoạn. Bởi nếu thực hiện theo cách đó không chỉ ý nghĩa nhạt phai, kinh phí Chính phủ không đáp ứng kịp, dẫn đến chậm trễ và bị động. Riêng việc từ GV dạy giỏi được điều lên Phòng, Sở làm công tác quản lý rồi mất rất nhiều quyền lợi, khiến người giỏi không mặn mà, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại để tháo khó cho các địa phương”-ông Hiếu nói.
Trong hàng loạt các vấn đề nổi bật của vùng đầu năm học 2012-2013, có lẽ vấn đề trao quyền tự chủ cho trưởng phòng GD (được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng theo NĐ 115 của Chính Phủ) nhưng lại bị “đá” bởi chính thông tư hướng dẫn của Bộ, hay vấn đề các trường phải thực hiện quá nhiều các hoạt động, tham gia các cuộc thi, phong trào khiến cho ảnh hưởng công tác dạy và học của học sinh, tốn kém kinh phí của nhà trường (ý kiến của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai). Rồi chuyện các chương trình mục tiêu quốc gia cần ưu tiên kinh phí nhiều hơn cho các tỉnh nghèo…là những vấn đề thu hút ý kiến của khá nhiều đại biểu.
Để tìm cách tháo gỡ:
Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng vụ KH-TC Bộ GD trả lời các kiến nghị
Khó khăn từ những vấn đề nêu trên của khu vực vùng thi đua số 5 đều là những vấn đề không mới. Tuy nhiên, để tìm được nút thắt, tháo gỡ cho các địa phương thì đến bây giờ Bộ GD vẫn đang hết sức cố gắng. Ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng vụ KH-TC Bộ GD-ĐT tâm tư: Việc đưa ra chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo không gì khác ngoài mục đích cải thiện, hỗ trợ hơn cho đời sống GV của Bộ GD. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách của Chính Phủ đang hạn hẹp thì ưu tiên trước mắt là thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đang làm công tác đứng lớp. Mong các đồng chí và thầy cô thông cảm với Bộ. Về những bất cập trong việc thực hiện phụ cấp thâm niên với cán bộ lãnh đạo phòng và Sở, Bộ sẽ nghiên cứu.
Về kiến nghị thay đổi định mức biên chế GV tiếng Anh, cũng như thay đổi phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng (cần có bộ chuẩn đánh giá chung). Ban hành định mức biên chế sự nghiệp trong các trung tâm GDTX hay việc cần phải ban hành chủ trương kiên cố hóa trường lớp riêng cho bậc MN để việc kiện toàn trường lớp, GV bậc học MN bớt căng thẳng của các đại biểu tỉnh Tây Ninh và Ninh Thuận…Bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng vụ giáo dục Tiểu học đã đồng tình và ghi nhận. “ Đây là vấn đề và một bất cập lớn khi chúng ta triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ. Nguồn GV và định biên GV hiện nay là không ổn, chúng tôi tiếp thu những kiến nghị này để tham mưu lãnh đạo Bộ có những thay đổi trong việc thực hiện thông tư 35. Tuy nhiên, điều này cần phải có thời gian và lộ trình”.
Ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng cụ cơ sở vật chất Bộ GD-ĐT cho biết: Với mức ngân sách dành cho giáo dục không ngừng tăng qua mỗi năm cho thấy sự quan tâm của Chính Phủ cho giáo dục là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nguồn ngân sách chi cho chương trình kiên cố hóa trường lớp sẽ giảm dần từ năm 2013 vì sắp kết thúc. Với các tỉnh có nguồn kinh phí xã hội hóa lớn (Bình Thuận) được sự ủng hộ mạnh của địa phương (Bình Dương) thì nên tiếp tục phát huy. Bộ vẫn sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về công tác kiện toàn cơ sở vật chất, trường lớp cho các địa phương trong vùng. Nhưng các địa phương cũng cần đầu tư hợp lý, tránh đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí. “ Đề án trang thiết bị dạy học tiếng Anh cho các trường thời gian qua ít nhiều cho thấy sự lãng phí ấy. Nhiều nơi đầu tư trang thiết bị hiện đại, giáo trình tiên tiên nhưng lại chưa thật sự phù hợp với điều kiện và năng lực của đội ngũ GV nơi đó, gây ra sự đầu tư thiếu hiệu quả. Vì vậy, mong các địa phương có kế hoạch, lộ trình chi tiết, hiệu quả”-ông chia sẻ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo, kết thúc hội nghị
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đặc biệt ghi nhận nỗ lực không ngừng của một vài địa phương như Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương trong việc vượt qua khó khăn để quyết liệt hoàn thành những mục tiêu và chiến lược phát triển giáo dục của địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung. Thứ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị và cho biết Bộ GD sẽ nghiên cứu để giảm bớt các cuộc thi trên tinh thần hạn chế gây ảnh hưởng tới học sinh và nhà trường.
Đặc biệt, Thứ trưởng chỉ đạo: Các địa phương trong cụm thi đua số 5 cần phải quyết liệt thực hiện chiến lược, chính sách phát triển giáo dục sao cho thật phù hợp với tình hình địa phương. Lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh cần phải thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách, việc phân cấp trong quản lý cũng như đầu tư có lộ trình vào các mục tiêu trọng điểm của ngành. Trong đó, Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chiến lược, công tác quyết liệt trong đổi mới giáo dục của Đảng, Chính Phủ và mục tiêu của Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XI vừa qua. Song song đó là không ngừng đổi mới công tác kiểm định chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học để công tác đào tạo hiệu quả hơn.
Các đại biểu tại hội nghị
Theo GD&TĐ