Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Điểm sàn phải là tổng điểm đa số thí sinh đạt

TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Điểm sàn phải là tổng điểm đa số thí sinh đạt

Thứ hai, 04 Tháng 3 2013 07:04
TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: gdtd.vn TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: gdtd.vn
TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho rằng điểm sàn phải là tổng điểm mà phần đa thí sinh dự kỳ thi ĐH, CĐ đạt được.

Theo ông, làm thế nào để xây dựng được điểm sàn thực sự khách quan, khoa học, đảm bảo hài hòa giữa chất lượng đầu vào và nguồn tuyển cho các trường?

- Không nước nào có khái niệm điểm sàn cho một kỳ thi chung. Việc định ra điểm sàn thực tế chỉ có ý nghĩa khi đề thi và cuộc thi đó mang tính chất khách quan, tính chuẩn mực. Cách làm điểm sàn của ta chưa rõ ràng, minh bạch.

Ở chỗ, đề thi của ta ra theo phương pháp chuyên gia, tức mỗi năm tập hợp một số chuyên gia ngồi lại với nhau để soạn đề thi, do vậy không mang tính khách quan, tính tiêu chuẩn. Đề năm nay có thể dễ, năm sau vừa phải, năm sau nữa có thể lại khó.

Cách để xác định một đề thi, cuộc thi có khách quan hay không nên căn cứ vào phổ điểm của từng môn thi và phổ điểm của tổng 3 môn thi. Nếu phổ là một đường cong úp xuống phân bố đối xứng, trong toán xác xuất thống kê là phân bố chuẩn. Nếu tổng 3 môn tối đa là 30 điểm thì đỉnh phổ phải rơi vào khoảng 15 – 16 điểm. Khi đó người ta lấy đỉnh phổ là điểm sàn.

Nhưng trong trường hợp đường phân bố không đối xứng, đối với ta chủ yếu là lệch trái. Ví dụ như theo số liệu tôi xem trên báo Thanh niên, năm 2012 đỉnh phổ rơi vào khoảng 7 - 8 điểm, nhưng ta vẫn lấy điểm sàn là 13 - 14. Điều đó  giải thích tại sao năm nay chỉ có 80% lọt được vào ĐH, với CĐ là 70%, TCCN là 60% so với tổng chỉ tiêu. Như vậy là không đạt được chỉ tiêu.

Nếu năm 2013 lên được phổ điểm đối xứng thì vấn đề điểm sàn lấy 15 hay 16 điểm cũng không thành vấn đề lắm. Nhưng trong trường hợp, phổ điểm không được đẹp như thế thì lấy điểm sàn từ đỉnh phổ. Ví dụ, đỉnh phổ là 8 sẽ lấy điểm sàn là 8, đỉnh phổ 12 điểm sàn là 12. Trong trường hợp đó, việc gọi thí sinh nhập học sẽ an toàn.

Đỉnh phổ không phải trung bình cộng của các môn thi. Đỉnh phổ là khoảng điểm mà phần lớn thí sinh đạt được trong kỳ thi. Ví dụ năm nay, số thì sinh có tổng điểm 10 chiếm nhiều nhất, thì 10 chính là đỉnh phổ.

 

Theo ông, cái gốc của vấn đề nằm ở đề thi vậy làm cách nào để có được một đề thi thực sự khách quan, tiêu chuẩn?

- Để làm được một đề thi khách quan phải xây dựng được ngân hàng đề thi, rất công phu. Theo đó, từng đề thi phải đưa vào trong các cuộc thi lớn rồi lấy kết quả làm bài của thí sinh trong cuộc thi đó phân tích, đánh giá. Từ đó mới có công thức làm đề thi, ma trận đề thi như thế nào để đề thi của lần này hay lần khác mức độ khó là như nhau.

Ngân hàng đề thi khác với bộ đề. Ngân hàng đề thi có nguyên tắc là khi đã dùng chính thức một đề thi nào đó thì phải bỏ ra không cho vào ngân hàng đề thi nữa. Làm ngân hàng đề thi là làm rất nhiều các câu nhỏ, thường theo trắc nghiệm khách quan, có thể có 300 câu hỏi trên 1 đề. Khi đã dùng rồi sẽ được công khai để thí sinh thử sức chứ không dùng lặp lại. Nên làm đề thi kiểu này rất công phu, tốn kém.

Cách thứ hai đơn giản hơn, là ra đề thi nhưng làm ba-rem mang tính chất tham khảo. Sau khi chấm xong sẽ chọn 5% số sinh viên có tổng điểm cao nhất. Nếu số này chỉ đạt 7 - 8 điểm thì phải chỉnh lại ba-rem để con số này đạt thành 9 - 10. Có nghĩa là ba-rem phải điều chỉnh dựa trên căn cứ thực tế là kết quả thi của người học để từ một đường méo biến thành đường đối xứng. Và theo ba-rem đó mới chấm chính thức.

 

Còn với ý kiến nên có nhiều điểm sàn, quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng Bộ cần có quy định nhiều mức điểm sàn cho phù hợp với cơ cấu vùng miền, cơ cấu phân tầng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Theo đó, các loại ĐHQG, các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH xuất sắc cũng như các trường ĐH trực thuộc trung ương, để được xứng đáng với đẳng cấp của mình, với sự ưu ái của nhà nước và xã hội phải chấp nhận mức điểm sàn cao hơn điểm sàn tối thiểu như một số quốc gia đã áp dụng.

Riêng các trường ngoài công lập, cũng như các trường địa phương do không nhận ngân sách trung ương nên được quyền chọn mức điểm sàn tùy theo tuyên bố sứ mệnh của mình, miễn sao cao hơn điểm sàn tối thiểu.

Xin cảm ơn ông.

Theo: Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516