Kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 với 4 kịch bản do Bộ Y tế đề xuất cần nguồn kinh phí gần 115 triệu USD, trong khi Bộ NN-PTNT cũng đề nghị kinh phí chống dịch hơn 5,5 triệu USD
Hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam, do Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 6-5, cho thấy dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát cao ở nước ta.
Gà giống nhập lậu từ Trung Quốc siêu rẻ bị Hải quan Lạng Sơn bắt giữ trong tháng 4-2013
Thu thập, xét nghiệm 18.000 mẫu gia cầm
GS-TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 trên người và gia cầm song dịch cúm này đang diễn biến khá phức tạp ở Trung Quốc với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng. Mặt khác, tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc về nước ta khó kiểm soát, lượng người qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam rất lớn.
Đáng lo ngại, virus H7N9 bắt nguồn từ gia cầm nhưng có độc lực thấp, không làm chết gia cầm nên khó phát hiện nguồn nhiễm bệnh. Chủng virus này cũng có thể thay đổi để thích ứng với động vật có vú. Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn bệnh, đường lây truyền cũng như bằng chứng cho thấy dịch bệnh này có lây từ người sang người hay không.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, nước ta có 15 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 15 xã, phường thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang; buộc tiêu hủy hơn 28.000 con gia cầm. Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu gia cầm sống tại 425 chợ thuộc 30 tỉnh, TP để xét nghiệm. Kết quả, 20/30 tỉnh, TP và 95/425 chợ có mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N1. Cơ quan chức năng đã phát hiện 2 mẫu vịt tại An Giang, Đồng Tháp dương tính với virus H7.
Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích gien thì không phát hiện mẫu virus H7 nào giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, cho biết Bộ NN-PTNT đã xét nghiệm sàng lọc 634 mẫu gia cầm dương tính với cúm A nhưng âm tính với H5 (đã thu thập được từ tháng 9-2012 đến tháng 3-2013) và không phát hiện thấy virus H7N9.
Hiện Bộ NN-PTNT cũng đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại khu vực biên giới. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, một chương trình giám sát đã được triển khai từ đầu tháng 5-2013 ở khu vực miền Bắc nhằm theo dõi virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. “Tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống trong cả nước, 18.000 mẫu xét nghiệm cũng sẽ được thu thập để Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương thực hiện xét nghiệm tìm chủng virus H7N9” - bà Thủy cho biết.
Gà, vịt không rõ nguồn gốc được bày bán la liệt và vẫn rất đắt hàng ở chợ Giếng Vuông - TP Lạng Sơn Ảnh: VĂN DUẨN
4 kịch bản ứng phó
Tại hội nghị, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đã đề xuất cũng như kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam trong việc huy động nguồn lực để phát hiện sớm và phòng chống dịch cúm A/H7N9.
Bộ Y tế cho biết đã xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 tại Việt Nam với 4 kịch bản: chưa có trường hợp bệnh trên người, trường hợp nhiễm trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người, trường hợp lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp, trường hợp dịch bùng phát ra cộng đồng. Tổng kinh phí dự phòng để ứng phó với 4 tình huống là 114,783 triệu USD; trong đó 36,356 triệu USD là nguồn đầu tư của Chính phủ, còn lại do quốc tế hỗ trợ.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị kinh phí cần thiết cho các hoạt động ưu tiên ngắn hạn để triển khai hoạt động phòng chống dịch thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ này là 5,57 triệu USD. Bước đầu, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới cam kết sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cũng như hướng dẫn về chuyên môn để Việt Nam triển khai phòng chống dịch cúm A/H7N9.
TPHCM: Một người tử vong vì cúm A/H1N1
ThS-BS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Bệnh viện 7A (TPHCM), ngày 6-5 cho biết bệnh nhân N.H.C (SN 1944, ngụ quận 11 - TPHCM) đã tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 vào ngày 3-5. Trước đó, ông C. đi du lịch ở Rừng Sác (huyện Cần Giờ); sau đó về nhà bị ho, sốt cao, tức ngực, khó thở nên được chuyển đi cấp cứu vào ngày 2-5. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy ông C. nhiễm cúm A/H1N1. Đây là ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại TPHCM trong năm 2013.
Ng.Thạnh
|
Quảng Ninh: Kiểm soát vận chuyển gia cầm 24/24 giờ
Để ngăn chặn nạn gà lậu và các loại gia cầm khác có nguy cơ mang dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1 từ vùng dịch của Trung Quốc vào Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản cấm tất cả hoạt động nhập khẩu, trao đổi gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu, lối mở, đường qua lại biên giới. Chiều 6-5, ông Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 4, TP Móng Cái - Quảng Ninh, cho biết UBND tỉnh đã thành lập các tổ kiểm soát, tổ tuần tra kiểm tra, rà soát tại các điểm nóng vận chuyển gia cầm như khu vực biên giới của TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, Hải Hà…; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, tại khu vực Móng Cái, trên 70.000 con gà giống nhập lậu đã bị thu giữ và tiêu hủy.
Tr.Đức
|
Theo: VĂN DUẨN/ NLĐ