Hàng lang thoáng mát của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Một tuần lễ mới nữa lại bắt đầu. Hôm đó, tôi có dịp đến thăm gia đình một đồng nghiệp tại TP. Việt Trì nhân chuyến công tác. Vào thứ Hai đầu tuần, sau khi làm việc xong tại cơ sở tôi thấy bụng đau, chắc có lẽ do mình ăn gì đó và cố chịu đựng cho tới khi chuyến công tác kết thúc. Thế nhưng, đến ngày thứ 3 tôi không chịu được, bởi những cơn đau dữ dội, người mệt mỏi không lê nổi bước chân và phải nhờ đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị. Dù rất đau bụng nhưng tôi vẫn cố gắng cảm nhận những gì xảy ra xung quanh mình trong khi chờ đến lượt. Ở bàn đón tiếp hướng dẫn bệnh nhân ngoài tiền sảnh, các cán bộ, nhân viên, y sỹ mặc áo blu trắng niềm nở, nhiệt tình chỉ dẫn từng bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh. Những bệnh nhân nhập viện thì được chỉ dẫn tận tình làm đầy đủ các thủ tục và chế độ bảo hiểm y tế. Thiết nghĩ, mình ở tỉnh khác đến chắc phải chờ lâu lắm mới tới lượt? Anh bạn đồng nghiệp của tôi có nói một câu rằng, hay mình gọi điện thoại cho anh Ngọc (Giám đốc Bệnh viện) tôi quay sang bảo: “Em muốn đến đây được khám chữa bệnh như những người bệnh khác”. Vừa dứt lời thì một nhân viên hướng dẫn từ đâu đi tới: “Em dẫn anh chị làm thủ tục khám ạ”. Tôi chần chừ thì cô nhân viên có nói rằng: “Chắc hẳn chị đang rất đau, phải thăm khám kịp thời để điều trị”. Lời nói nhẹ nhàng và đặc biệt là sự quan tâm kịp thời đối với bệnh nhân làm tôi rất cảm động. Làm thủ tục xong, tôi được đưa đi siêu âm và xét nghiệm máu. “Chắc phải mất một khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm chị vui lòng chờ kết quả tại phòng chăm sóc khách hàng”, dẫn chúng tôi đến phòng chờ cô nhân viên tiếp tục quay ra đón bệnh nhân khác. Đặt chân tới phòng chờ tôi cảm nhận được hương thơm lan tỏa ra từ bình hoa tươi được trang trí ở góc tường “sao căn phòng mát và thơm vậy” đó là câu thốt ra từ đồng nghiệp của tôi.
Phòng chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Đưa mắt nhìn xung quang có rất nhiều người đang đọc báo, xem ti vi, và đặc biệt có mấy đứa trẻ đang ngồi ăn bánh ngọt một cách ngon lành. Tôi nghĩ, nếu không có sự cố trong chuyến công tác lần này thì sao tôi có thể được trực tiếp nhìn nhận về Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ mà mọi người vẫn hay nhắc tới. Chắc có lẽ do đau bụng đã nhiều ngày, sức lực yếu nên tôi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong phòng bệnh số 9 và được các cô y tá ở đó chăm sóc, truyền kháng sinh rồi truyền nước. Tại phòng, tôi nhìn xung quanh, tất cả những người nhà bệnh nhân đều phải mặc áo màu vàng (áo giữ vệ sinh) khi đến thăm người bệnh. Tôi cảm thấy bụng mình không còn đau nữa. “Em bị rối loạn đường tiêu hóa”- đó là lời chẩn đoán cuối cùng của một vị Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ chuyên khoa I Hà Đăng Thiệp, là người trực tiếp điều trị cho tôi. Thật may mắm khi tôi chỉ phải truyền nước, uống kháng sinh và điều trị chứ không phải mổ vì tôi rất sợ dao kéo. Những ngày ở Bệnh viện điều trị tôi đã được sự quan tâm , chăm sóc rất tận tình của các Bác sĩ, y tá. Dù không có người thân trong gia đình bên cạnh nhưng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng để chữa lành bệnh và họ sẵn sàng giúp đỡ tôi những khi tôi cần. Những thầy thuốc ở đây đang ngày đêm cống hiến hết mình cho sức khỏe nhân dân, tất cả đều đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu, điều đó không chỉ riêng tôi cảm nhận, hay những người đã từng điều trị khỏi bệnh tại viện và cả những người đang điều trị cùng phòng với tôi. Ở đây, người nghèo có, người giàu cũng nhiều và cả những người xa cơ lỡ vận. Tôi nói vậy, bởi vì phòng điều trị của tôi có 6 bệnh nhân, người nằm cạnh giường của tôi là anh Thân, quê ở Vĩnh Phúc. Gia đình khó khăn, điều không may mắn đã xảy ra, anh bị gãy xương sườn, và gãy đùi trong vụ tai nạn sập mái hiên nhà. Sau khi băng bó tại Bệnh viện Bạch Mai, anh được gia đình đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được điều trị. Lời chia sẻ rất đỗi thường tình của anh làm cho cả phòng bệnh nhân lắng nghe: “Gia đình tôi nghèo không có tiền trang trải, ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ. Về điều trị tại bệnh viện này tôi và gia đình cảm thấy yên tâm và nhất là về trang thiết bị không thua kém ở Hà Nội, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều…”. Rồi anh Thân nói tới tinh thần phục vụ của các nhân viên làm việc tại nhà ăn của bệnh viện.
Chiều thứ Sáu, sau ba ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú thọ, bệnh tình của tôi đỡ nhiều, tôi xin về nhà điều trị. Các Bác sỹ vui vẻ cho tôi xuất viện và không quên hướng dẫn thêm cho tôi thời gian điều trị và uống thuốc, nghỉ ngơi hợp lý. Chia tay với các Bác sỹ tôi không quên ghé thăm bếp ăn của bệnh viện theo lời anh Thân kể. Mà có lẽ khi nghe xong bất kì ai cũng sẽ tò mò như tôi.
Phòng ăn của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Ra về, chúng tôi mang theo hình ảnh và lòng cảm phục về những người thầy thuốc áo trắng đêm ngày luôn tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh. Các anh chị thật xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kinh yêu khi sinh thời: “Lương y phải như từ mẫu”. Cám ơn các anh, các chị đã cho tôi lành bệnh, sức khỏe, hạnh phúc. Thay mặt những bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện, tôi kính chúc tập thể cán bộ, các Y, Bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ dồi dào sức khỏe, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân để mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười cho đời./.
Hằng Nga