Ngày 19.8, khi biết có đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra việc thực hiện cải tiến quy trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM, bà N.Th.T( 62 tuổi, ngụ quận Tân Bình) tranh thủ nán lại để tâm sự về những bức xúc của mình.
“Chẳng bệnh viện nào làm kiểu này!…”
Bà T.cho biết, hôm 19.8 bà đi khám phụ khoa, vừa khám và nhận thuốc xong, bà nán lại để chờ đoàn kiểm tra đến, với hy vọng có thể nói lên chính kiến của mình, mong muốn được bệnh viện này thay đổi.
Theo bà T., bà bị bệnh tim mạch, thường xuyên đến đây khám bệnh, có lần thẻ bảo hiểm y tế của bà còn hơn 1 tháng nữa là hết hạn. Lúc đăng ký khám bệnh, bệnh viện bắt bà đóng 100.000 đồng. Bà giật mình, liền hỏi lại cô nhân viên y tế đăng ký thì được cô này cho biết, đây là tiền thu tạm ứng khám, chữa bệnh.
“Tui không phải sợ tốn hay sợ mất 100.000 đồng, mà thấy cách làm này gây phiền hà cho người bệnh, tốn thêm thời gian phải ghi phiếu tạm ứng, chờ đóng tiền tạm ứng, rồi sau đó chờ nhận lại tiền tạm ứng. Làm như vậy, mất thời gian của bệnh nhân, chẳng bệnh viện nào làm kiểu này cả. Làm sao gọi cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân, hạn chế tình trạng quá tải?…”. bà T. tỏ ra khó chịu.
Một quy định tạm ứng tiền khám bệnh đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đã gây ra sự bức xúc cho bệnh nhân.
Qua tìm hiểu của Một Thế Giới, sở dĩ bệnh viện này có một quy định “khác người” này là do bệnh viện lo sợ, một số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế gần hết hạn, sẽ bỏ luôn thẻ. Lúc đó, bệnh viện thất thu vì những khoản tiền khám, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.
Do đó, bệnh viện quy định, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm đúng tuyến, nếu thẻ bảo hiểm còn thời hạn sử dụng 1 tháng thì phải đóng tiền tạm ứng 100.000 đồng; còn bệnh nhân có thể bảo hiểm y tế khác tuyến phải đóng tạm ứng 300.000 đồng, và bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế cùng chi trả còn thời hạn 1 tháng cũng phải đóng tạm ứng 100.000 đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Duyên, trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương lý giải: “Nhiều bệnh nhân sau khi làm các xét nghiệm, lẽ ra họ phải đóng 10 hoặc 20% còn lại theo chế độ bảo hiểm mà họ được hưởng thì lại “trốn” luôn, bỏ cả thẻ bảo hiểm, cuối tháng bệnh viện phải bỏ tiền ra đóng khoản tiền đó. Có nhiều tháng, sau khi kết toa, bệnh viện bị thất thu cả mấy chục triệu đồng”
Cũng theo bà Duyên, sau khi bệnh nhân quyết toán tiền để nhận thuốc thì bệnh viện sẽ khấu trừ khoản tiền đã tạm ứng.
Ngay sau khi biết được sự việc trên, chính ông Cao Hưng Thái, Cục phó cục Quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế ), trưởng đoàn kiểm tra đã bất ngờ trước cách “ xứ lý” của bệnh viện này với những bệnh nhân.
Ông Thái đề nghị, bệnh viện cần phải nghiên cứu lại cách làm, tránh gây thiệt hại cho người bệnh.
Trong trường hợp, nếu bệnh viện gặp khó khăn thì báo với Sở Y tế TP hay Bộ Y tế để cùng tìm ra hướng giải quyết. “Chúng ta phải tìm giải pháp để khắc phục tình trạng trên theo hướng thuận lợi nhất cho bệnh nhân, dành cái khó về cho bệnh viện. Bệnh viện phải chấp nhận hy sinh vì lợi ích của bệnh nhân”, ông Thái nói.
Lỗi tại bảo hiểm y tế?
Theo Quyết định 1313, các bệnh viện không được bắt bệnh nhân phải photo thẻ bảo hiểm y tế hay giấy chuyển viện, nhưng Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương vẫn bắt bênh nhân photo những giấy tờ trên.
Điều này cũng đã được đoàn kiểm lưu ý, nhắc nhở khắc phục để góp phần giải quyết nhanh thủ tục khám chữa bệnh tránh quá tải.
Thế nhưng, bác sĩ Duyên không hề hay biết, việc photo như thế là không đúng với quy định của Bộ Y tế về cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Khi được hỏi, tại sao bệnh viện vẫn còn tình trạng bắt bệnh nhân photo thẻ bảo hiểm y tế? Bác sĩ Duyên trả lời có vẻ như đó là chuyện đương nhiên.
“Photo thẻ bảo hiểm tại khoa khám bệnh là điều ai cũng phải làm. Đó là quy định của bảo hiểm y tế, hồ sơ nhập viện phải có thẻ bảo hiểm y tế photo kèm theo. Hiện nay, bảo hiểm y tế còn quy định thêm bệnh nhân trái tuyến, khám ngoại trú cũng phải photo thẻ bảo hiểm kèm theo mẫu”, bà Duyên trả lời.
Ông Cao Hưng Thái, Cục phó cục Quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) tiếp xúc với các bệnh nhân tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng vương TP.HCM vào sáng 19.8
Tiếp đó, bác sĩ Duyên kể khó: đôi khi bảo hiểm y tế còn gây khó khăn cho bệnh viện, làm mất thời gian bác sĩ, điều dưỡng.
Ở khâu thanh toán sau cùng, bảo hiểm y tế quy định phải kèm theo mẫu là các chỉ định của bác sĩ, đơn thuốc để bảo hiểm y tế giám định. Chính vì những thủ tục đó, đôi lúc các điều dưỡng mất rất nhiều thời gian. Bởi sau khi làm xong phải vứt tờ giấy chỉ định của các sĩ để kẹp những giấy tờ trên vào mẫu, gây tốn kém khá nhiều thời gian.
“Muốn giảm thời gian chờ đợi bệnh nhân, cần phải giảm thủ tục hành chính về bảo hiểm y tế”, bà Duyên nói.
Tuy nhiên, điều đặt ra ở đây, không phải là chuyện bảo hiểm y tế yêu cầu bệnh viện phải photo thẻ bảo hiểm để làm căn cứ thanh toán tiền bảo hiểm mà điều nằm ở chỗ là ai photo. Quy định của Bô Y tế là không bắt bệnh nhân photo, nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu bệnh nhân phải tự đi photo.
Trong khi chủ trương, định hướng của ngành y tế trong giai đoạn từ 2012 đến 2016 là tập trung nâng cao công tác khám chữa bệnh, nhằm mục đích giảm tải các bệnh viện.
Đối với một bệnh viện như Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương có số lượng bệnh nhân khá đông, trung bình mỗi ngày có đến 1.500 bệnh nhân đến khám và điều trị, nhưng lại thực hiện những thủ tục “hành chính” không đáng có như thế sẽ rất khó để nơi đây có thể giảm được tình trạng quá tải.
Theo Motthegioi