Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết ông đã thức cả đêm để nghiên cứu tính hợp pháp của Công văn 1042/C67-P3 do đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67- Bộ Công an), ký, có nội dung khi chụp ảnh CSGT phải xin phép mà báo chí đã phản ánh, bước đầu phát hiện là có vấn đề.
Không cần “cho phép”
Trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ngày 22-8, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết với nội dung của Công văn 1042, có thể hiểu bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đều buộc phải “được phép, đồng ý” của CSGT. CSGT có quyền yêu cầu người chụp ảnh, ghi hình xuất trình giấy tờ để xác định đúng là nhà báo hay giả danh.
“Pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế quay phim, chụp ảnh thì mới buộc công dân tuân thủ” - TS Sơn nói. Ông cho biết qua rà soát, chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ nếu không thuộc trường hợp cấm, hạn chế. Việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT không phải hành vi bị pháp luật cấm. Cũng không thể thấy người đang quay phim, chụp ảnh không phải là nhà báo mà dễ dàng quy kết là giả danh nhà báo để lập hồ sơ xử lý.
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Hơn nữa, việc truy xét giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo cũng không thuộc thẩm quyền của CSGT đang tuần tra, kiểm soát. Việc ghi hình ảnh của lực lượng CSGT thi hành công vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư và không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
“Việc ghi hình người thi hành công vụ đại diện cho cơ quan nhà nước, không riêng gì CSGT, tại nơi công cộng không cần phải được CSGT hay bất kỳ cá nhân nào có mặt ở đó cho phép. Nhờ những hoạt động giám sát đó mà nhiều hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý” - TS Sơn nhấn mạnh.
Không thuộc thẩm quyền
Theo nhiều chuyên gia luật, dù Công văn 1042 chỉ có tính chất chỉ đạo nội bộ trong ngành công an nhưng lại chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi của rất đông người dân và nhà báo khi thực hiện quyền giám sát.
TS Lê Hồng Sơn cho rằng những nội dung liên quan đến việc xác định quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ cũng như việc xác định người quay phim, chụp ảnh là nhà báo hay giả danh nhà báo đều không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo C67. “Công văn có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý” - ông Sơn nêu rõ.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức một cuộc họp với đại diện C67 và một số cơ quan liên quan để trao đổi về những dấu hiệu sai trái trong Công văn 1042. Từ kết quả cuộc họp sẽ đề xuất hướng xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, theo Nghị định 40/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì việc xử lý văn bản này trước hết thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (C67, Vụ Pháp chế, lãnh đạo bộ). Trường hợp các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của Bộ Công an không xử lý thì Bộ Tư pháp sẽ thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, ngày 21-8, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng C67, khẳng định sẽ không thu hồi văn bản này vì chẳng có gì sai cả. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-8, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67, cho biết C67 chưa tính tới việc này và cùng với việc gửi trưởng phòng CSGT các địa phương, Công văn 1042 cũng được báo cáo cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an). “Khi nào có ý kiến chỉ đạo (xung quanh công văn này) thì chúng tôi mới tính” - ông Tuyên nói.
Trong ngày 22-8, phóng viên đã cố gắng liên lạc để tìm câu trả lời của lãnh đạo Tổng cục 7 nhưng chưa được.
Cần sớm thu hồi Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng C67 cần sớm đề xuất thu hồi Công văn 1042 để tránh dẫn tới trường hợp lực lượng CSGT trên cả nước lạm dụng triển khai, áp dụng. Trong khi đó, một lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Công an khẳng định thẩm quyền xem xét, xử lý đối với Công văn 1042 thuộc về lãnh đạo C67 và Tổng cục 7. “Khi dư luận lên tiếng như thế thì chắc chắn cần phải xem lại rồi. Nếu sai thì sửa, đó cũng là chuyện bình thường thôi” - vị này nói. |
Theo: NLĐ