Theo đó, đội ngũ phóng viên (những người chưa được cấp thẻ nhà báo) cũng sẽ được bảo vệ khi tác nghiệp.
Cụ thể, Điều 7 nghị định quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Một điểm mới khác, Nghị định 159 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định…
Như vậy, nghị định nói trên đã bổ sung hành vi “không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” vào nhóm hành vi phải chịu chế tài, tuy nhiên mức phạt tiền với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin lại giảm đáng kể (mức hiện hành là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng).
Cạnh đó, Nghị định 159 quy định sẽ phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí”.
Về phía báo chí, khi đăng, phát thông tin sai sự thật sẽ bị chế tài tùy theo mức độ hậu quả, mức thấp nhất là 1 triệu đồng nếu “chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng” và cao nhất là 30 triệu đồng nếu “gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”; nếu cơ quan báo chí đăng, phát tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng…
Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ 1-1-2014.
Theo: phapluattp.vn