Tổng doanh thu cả năm là 196.330 tỉ đồng; sau khi đóng thuế, thực lãi - theo lãnh đạo Petrolimex trả lời một tờ báo - còn khoảng 1.533 tỉ đồng (tăng hơn 98% so với năm 2012).
Sốc hơn nữa khi biết rằng lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu chiếm tới 768 tỉ đồng trong 1.929 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế. Hóa ra lâu nay Petrolimex than lỗ chỉ là chuyện... ảo tưởng?
Nếu gắn “hiệu quả kinh doanh” của tập đoàn này với diễn biến giá xăng dầu nội địa trong năm qua sẽ rất dễ tìm câu trả lời cho nghi vấn trên. Năm 2013 có tổng cộng 11 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, trong đó tăng 5 lần với tổng mức tăng 3.220 đồng, giảm 6 lần với tổng mức giảm 2.160 đồng. Như vậy, tăng nhiều - giảm ít là chuyện có thật; đó là chưa nói đến chuyện tăng nhanh - giảm chậm so với nhịp giá thế giới. Và chỉ cần giảm chậm vài ngày là các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, trong đó có “ông lớn” Petrolimex, thu vào hàng tỉ đồng. Những lần tăng giá đều do các công ty xăng dầu nhanh nhảu đề xuất (hầu hết đều được liên bộ Tài chính - Công Thương đồng ý), còn những lần giảm giá là vì các bộ chỉ đạo phải thực hiện.
Như vậy, than lỗ do giá thế giới tăng chỉ là lý do bề nổi, nguyên nhân thực chất là để được tăng giá bán lẻ, thu thêm lợi nhuận.
Nhiều năm nay, dư luận luôn đặt nghi vấn lỗ giả - lãi thật ở các công ty xăng dầu. Năm 2012, sự hoài nghi ấy được hóa giải: Đúng là Petrolimex lãi thật, mà lại lãi to: Hơn 750 tỉ đồng. Một năm sau, vẫn luôn miệng than thở khó khăn song kết sổ thì lãi “khủng”, gấp đôi năm trước. Petrolimex không thể giấu được mãi sự thật này vì phải cáo bạch tài chính, phải công khai trước đại hội cổ đông. Nói rõ hơn, Petrolimex phải giữ “giá” của thương hiệu và phải chứng minh là một tập đoàn nhà nước kinh doanh có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh khá nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn bết bát.
Người tiêu dùng có thể sẽ cảm thấy vui lây với Petrolimex về hiệu quả kinh doanh đó nếu tập đoàn này công khai, minh bạch trong hoạt động, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu. Đằng này, họ cảm thấy mình bị lừa hoặc ít ra là bị đối xử không công bằng. Mà nào chỉ có Petrolimex, gần 40% thị phần xăng dầu còn lại đang nằm trong tay khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối nữa. Phần lớn những doanh nghiệp này chắc chắn cũng lãi, dù không “khủng” bằng Petrolimex, chứ thua lỗ triền miên thì sao cứ bám kinh doanh xăng dầu (?!).
Cũng như thế, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bất ngờ báo lãi hàng ngàn tỉ. Lãi không nhờ làm ăn giỏi mà nhờ... tăng giá! Rõ là “ông điện” và “ông xăng dầu” chẳng tài cán gì, lãi to là nhờ tăng giá sản phẩm, hay nói cách khác là đánh thẳng vào túi người tiêu dùng cuối.
Chính phủ luôn chỉ đạo phải công khai, minh bạch giá các mặt hàng thiết yếu. Biến mệnh lệnh ấy thành hiện thực không phải dễ nếu các “ông độc quyền” cố tình duy trì kiểu làm ăn sống chết mặc bây như thế cốt để bảo toàn đặc quyền cho mình.
Theo: NLĐ