Trước hết, không thể dùng việc xử phạt để “trói” báo chí mà phải nhìn nhận vấn đề qua các góc độ xã hội và pháp lý để hiểu sâu sắc hơn bản chất của nó.
Báo chí là diễn đàn của nhân dân
Ở góc độ xã hội, ngay tại điều 1 Luật Báo chí đã nêu rõ vai trò, chức năng của báo chí: “Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, diễn đàn của nhân dân”.
Điều ấy cũng có nghĩa báo chí phản ánh trung thực những mặt khách quan hiện thực của đời sống xã hội, giúp xã hội ngày một trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, báo chí còn có chức năng quan trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp pháp luật đi vào đời sống nhân dân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Như vậy, với chức năng, vai trò của mình, báo chí đã tác động một cách tích cực hầu như bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để báo chí thực hiện tốt chức năng và thể hiện đúng vai trò của mình, nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ.
Pháp luật phải thống nhất, toàn diện
Xét ở góc độ pháp lý, thuộc tính của pháp luật là thống nhất, toàn diện, phổ biến để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tính hiệu lực của pháp luật được xác định theo thứ tự giá trị của văn bản pháp luật, thời điểm ban hành pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật phải có trách nhiệm rà soát tính hiệu lực của các văn bản đã ban hành trước đó để tránh chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.
Một điều cốt yếu nữa là tại khoản 1, điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”.
Đơn cử trường hợp Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung thông tin như thông tin sai sự thật bị phạt 5 triệu đồng (điểm a, khoản 2, điều 7), gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt 30 triệu đồng. Trong khi cũng hành vi tương tự, tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê, chỉ cần đưa tin sai sự thật về số liệu thống kê, không cần hậu quả cũng đã bị phạt đến 30 triệu đồng...
Chính từ việc ban hành các nghị định về xử phạt này đã làm cho các văn bản pháp luật mâu thuẫn nhau, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.
Một hành vi vi phạm chỉ xử phạt 1 lần
Trong Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP, Nghị định 02/2011/NĐ-CP, Nghị định 159/2012/NĐ-CP đã có đầy đủ hành lang pháp lý quy định quyền, trách nhiệm, chế tài xử phạt cụ thể cho từng hành vi tác nghiệp của phóng viên cũng như tờ báo quản lý phóng viên đó, nếu có vi phạm. Quy định của Luật Báo chí trao cho nhà báo nhiều quyền để hoạt động. Việc cho phép nhiều ngành ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí hiện nay vô tình đã tạo nên một sự “hỗn loạn” trong việc thực thi pháp luật; đồng thời gia tăng sự lạm quyền, gây trở ngại đến tác nghiệp của nhà báo.
Ngoài ra, nhiều cơ quan tự cho mình thẩm quyền được xử phạt đã làm hạn chế tiếng nói phản biện của báo chí, tính thông tin đa chiều trên báo cũng sẽ giảm... Điều này đi ngược xu thế chung của thế giới và phá vỡ tính thống nhất quản lý ngành cũng như nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ xử phạt 1 lần.
Vì vậy, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi những quy định chồng chéo, rối rắm nói trên và ban hành những quy định phù hợp Luật Báo chí.
Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều ngành ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí hiện nay có thể do xuất phát từ việc muốn mở rộng đối tượng bị xử phạt của các cơ quan chức năng nhưng lại hiểu chưa đúng, chưa kỹ trong việc ban hành các nghị định về xử phạt hành chính.