Giảm áp lực và phát huy được năng lực HS
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho biết: Việc Bộ GD&ĐT đưa quyết định đổi mới ngay từ kỳ thi tốt nghiệp 2013 - 2014 là việc làm mạnh dạn rất đáng mừng và xã hội cần ủng hộ.
Hành động này chứng tỏ Bộ rất quyết tâm thực thi theo Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI đã đề ra. Đó là: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Theo thầy Lâm, trên thực tế thì phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Các môn thi chỉ còn 2 môn bắt buộc là Văn, Toán. 2 môn còn lại, thí sinh được tự chọn trong số 5 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.
Bên cạnh đó các em có thể chọn môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích. Như vậy HS sẽ được giảm áp lực về số lượng các môn dự thi đồng thời gia đình và xã hội cũng tiết kiệm được về vật chất.
Cách thi được đổi mới, HS được tự chọn ngoài hai môn thi bắt buộc nên các em sẽ chủ động hơn trong việc học tập của mình cũng như phát huy được năng lực sở trường riêng. Tuy nhiên, việc HS được tự chọn về môn thi chắc chắn các cơ sở giáo dục sẽ vất vả hơn trong vấn đề ôn tập cũng như tổ chức thi cử.
Đối với bộ môn Ngoại ngữ theo mục tiêu đề án 2020 đặt ra đó là phải đánh giá HS trên bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên nếu hiện nay chúng ta tổ chức thi theo phương án 2 thì chắc chắn vẫn không có gì đổi mới do mặt bằng thí sinh cũng như cách dạy bộ môn này còn nhiều hạn chế. Vì vậy môn Ngoại ngữ chỉ nên lựa chọn là một tiêu chí để khuyến khích cộng điểm cho HS là phù hợp.
Miễn thi cho thí sinh cần áp theo các tiêu chí cụ thể
Trong dự thảo về vấn đề thi tốt nghiệp có nội dung xét miễn tốt nghiệp cho 20% thí sinh ở mỗi tỉnh cũng là một trong những điểm mới của ngành Giáo dục.
Cô Phạm Thị Giang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B (Ninh Bình) - chia sẻ: Việc xét miễn thi cho một bộ phận HS sẽ có tác động tích cực, vì điều này động viên khuyến khích được các em phấn đấu và tu dưỡng bản thân. Những em có thành tích tốt, có năng lực nổi trội trong học tập và các lĩnh vực thể thao văn hóa rất xứng đáng được ghi nhận.
Song để các địa phương thực hiện tốt, cần tránh những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có, Bộ nên đưa ra những văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí và công khai một cách rộng rãi. Việc miễn thi với một số lượng khá lớn như vậy cũng sẽ góp phần giảm bớt những tốn kém cho gia đình và nhà trường.
Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho rằng, đối với việc xét miễn thi tốt nghiệp cho 20% thí sinh mỗi Sở GD&ĐT cũng cần được bàn bạc kỹ càng.
Bộ GD&ĐT nên đưa ra những tiêu chí thống nhất và cụ thể về việc xét miễn thi tốt nghiệp. Dựa và những tiêu chí này những HS nào đạt sẽ được miễn mà không nên khống chế theo tỷ lệ 20% cho mỗi Sở Giáo dục và quan trọng là phải giám sát được sự xét tuyển cho công bằng tránh tiêu cực.
Cách cộng điểm khuyến khích đối với môn Ngoại ngữ cũng nên mở rộng hơn. Ngoài việc cộng điểm cho HS tham gia đăng ký thi môn ngoại ngữ với đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành nên công nhận điểm khuyến khích cho HS có những văn bằng ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định của quốc tế. Bởi có như vậy sẽ khích lệ được HS học ngoại ngữ một cách tự giác và thực chất.
Theo: gdtd.vn