Thịt trâu, bò bán khắp nơi
Sáng 20.2, vượt qua cung đường băng giá trên Quốc lộ 6 trong những cơn gió lạnh buốt, chúng tôi đến thị trấn Sapa (Lào Cai), nơi xảy ra mưa tuyết trong 2 ngày 18-19.2. Từ ngã ba Bình Lư thuộc huyện Tam Đường (Lai Châu), mặc dù đường rất ướt, trơn trượt nhưng các phương tiện giao thông vẫn nối đuôi nhau mò mẫm trong sương mù, giá lạnh để đến Sapa.
Tại khu vực Ô Quy Hồ, tuyết phủ một lớp dày trắng xóa trên các mái nhà, ngọn cây, thảm cỏ. Dọc hai bên đường đến thị trấn Sapa, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều điểm bán thịt trâu, bò mới. Nhìn những bàn tay chai sạn, lóng ngóng cứa dao trên miếng da trâu đứt nham nhở, có thể biết ngay đây không phải dân bán thịt chuyên nghiệp mà là chủ của trâu, bò bị chết vì rét.
Anh Giàng A Thính - bản Chu Lìn 2, xã Chung Chải, huyện Sapa lập cập hai hàm răng vì rét, kể: Đây là con trâu thứ 2 của nhà tôi bị chết rét từ đầu năm 2014 đến nay. Nếu thuê người bán thì được ít tiền hơn nên mình phải tự bán lấy. Giá thịt trâu chết rét rẻ hơn giá trâu thường khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Một con nghé tơ giá khoảng 15-18 triệu đồng, nhưng đã chết rét thì chỉ bán được 3-5 triệu đồng/con. Nhiều hộ gom góp mãi mới mua được con trâu, bò, nay chúng lăn ra chết rét, thế là lại trắng tay. Trâu, bò của mấy anh em nhà tôi cũng chết hết rồi, vụ này người lại phải cày cuốc thay trâu thôi.
Nhiều tỉnh vùng cao đã xuất hiện tình trạng trâu, bò chết rét (ảnh chụp tại huyện Sapa, Lào Cai).
Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng tính đến sáng 20.2, các tỉnh Tây Bắc đã có hàng trăm hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề trong đợt giá rét thứ 3 của năm 2014 này. Trong đó 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang bị thiệt hại lớn nhất do nhiệt độ một số vùng xuống dưới 0 độ C.
Ông Nguyễn Văn Tuyển - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết: Chỉ tính 2 đợt rét trong tháng 2, toàn tỉnh đã có 272 con trâu, bò bị chết rét, tập trung chủ yếu tại các huyện Sapa, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát và Si Ma Cai, nâng tổng số trâu, bò bị chết rét từ đầu năm đến nay lên 799 con. Ngoài ra còn nhiều diện tích rau, hoa quả, cây dược liệu và cây trồng khác bị ảnh hưởng nặng nề…
Căng mình chống rét
Tìm hiểu nguyên nhân gia súc, gia cầm tiếp tục bị chết do giá rét, ông Mã A Lìn (xã Sapa, huyện
Dưới 15oC: Không nên chăn thả trâu, bò |
Sapa) cho biết: Nhà nước đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi làm chuồng trại cho gia súc trong mấy năm qua. Chỉ những hộ nào không làm tốt nhà ở cho trâu, bò; không lo đủ thức ăn, đốt lửa sưởi ấm hoặc vẫn thả rông thì nó mới chết thôi. Lạnh thế này, không mặc ấm thì người cũng chết...
Còn anh Giàng A Thính ở xã Chung Chải thật thà bảo: Mấy hôm trước tivi và cán bộ đã cảnh báo giá rét về rồi nhưng tôi và một số hộ trong bản vẫn tranh thủ chưa tới mùa làm nương, thả rông trâu, bò vào rừng sâu cho chúng ăn cỏ tự nhiên. Thấy tuyết rơi mới đi tìm thì nó đã chết vì lạnh…
Ngày 19.2, huyện Sapa đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong giá rét, theo đó huyện triển khai ngay việc che đậy cây cối, hoa màu; tăng cường chăm sóc gia súc đang được nuôi nhốt trong chuồng; phía công an tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại những tuyến đường trọng điểm…
“Đến sáng ngày 20.2, hầu hết lãnh đạo ngành NNPTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đã chia thành nhiều đoàn xuống cơ sở để đôn đốc, kiểm tra tình hình phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm và cây trồng. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho vụ lúa xuân, do đó bà con cần áp dụng những biện pháp chống rét triệt để, nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi” - ông Nguyễn Văn Tuyển - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai cho biết.
Theo Nhóm PV Tây Bắc