Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcNhững quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/9

Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/9

Thứ ba, 03 Tháng 9 2013 01:39
Những chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/9, nổi bật là các quy định nhằm hạn chế doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, tăng lương hưu, các chính sách về quản lý sử dụng Internet, miễn học phí cho học sinh thuộc dân tộc thiểu số và chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo.

Hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành

Theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP, các doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ không được góp vốn mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán.

quy dinh1

Siết chặt quản lý vốn Nhà nước, hạn chế đầu tư ngoài ngành. Ảnh minh họa (Internet).

Các doanh nghiệp đó cũng không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính bất động sản.

Từ ngày 1/9/2013, Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ có hiệu lực. Nghị định này thực ra là một “cứu cánh” cho những doanh nghiệp nhà nước đang loay hoay chưa tìm được hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Việc siết đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước thực ra đã được Chính phủ thực hiện 2 năm trở lại đây và thời hạn cuối cùng cho các doanh nghiệp thoái vốn là năm 2015. Tuy nhiên khó khăn của các doanh nghiệp nhà nước đã “chót” đầu tư ngoài ngành là việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản không hề đơn giản vì dự án đã triển khai, bán không ai mua.

Với quy định này thì doanh nghiệp nhà nước vẫn được đầu tư ra ngoài ngành trừ những lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Như vậy chủ trương “siết” chặt đầu tư ra ngoài ngành đối với doanh nghiệp nhà nước được “nới” và lối ra cho doanh nghiệp nhà nước đã đi “sai đường” ở đây chính là việc chuyển hướng đầu tư ngoài ngành sang các lĩnh vực không bị cấm.

Tăng 9,6% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng

Theo Nghị định số 73/2013/NĐ-CP của Chính phủ sẽ tăng thêm 9,6% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

quy dinh2

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đều tăng. Ảnh minh họa (Internet).

Các đối tượng cũng được hưởng mức tăng này là cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng; Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách trường học từ 200 mét

Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách trường học ít nhất 200m, kinh doanh trò chơi điện tử thuộc loại G1 phải có giấy phép là những quy định nổi bật tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.

Nghị định trên thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Nghị định gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học phổ thông từ 200 mét trở lên.

Đồng thời, phải có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị đặc biệt, đô thị loại I, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2  tại các khu vực khác…

Miễn học phí cho học sinh dân tộc thiểu sổ và hỗ trợ cho học sinh nghèo

Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, HS-SV người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí khi học tại các cơ sở giáo dục trong nước.

Riêng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, sẽ được hỗ trợ 50% học phí khi học trung cấp chuyên nghiệp.

Theo thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC, mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng và mức hỗ tiền nhà ở  hàng tháng (đối với mỗi học sinh phải tự lo chỗ ở) lần lượt là 40% và 10% mức lương tối thiểu chung, tương đương 575.000 đồng (mức lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng).

Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ trên là học sinh trung học phổ thông người dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo có giấy chứng nhận hộ nghèo kèm theo ở xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

Theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg, học sinh vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và không quá 9 tháng/năm học cho mỗi học sinh.

Các đối tượng được hưởng chính sách này bao gồm: học sinh tiểu học và THCS đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc không thể đi về trong ngày tại các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

Ngoài ra, một số quy định khác cũng có hiệu lực từ ngày 1/9, đó là Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT, Người tham gia Hội chữ thập đỏ sẽ được hỗ trợ chi phí y tế cho việc chữa trị, phục hồi sức khỏe và chức năng nếu bị tai nạn khi tham gia hoạt động Chữ thập đỏ tại Việt Nam ngay cả khi không tham gia BHYT. Các đối tượng trên còn được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian chữa trị tai nạn.

Theo Nguoiduatin

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516