“Thuốc giả, thuốc thật mình không quản lý hết được” (?!)
Trao đổi với Người đưa tin, ông Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra bộ Y tế cho biết: “Thanh tra Bộ đã nhận được thông tin về sự việc hai sản phụ bị liệt sau sinh mổ tại bệnh viện đa khoa Lục Yên và đã chỉ đạo vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em xác định nguyên nhân”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho biết: “Chúng tôi cũng đã gửi công văn yêu cầu sở Y tế Yên Bái và bệnh viện Lục Yên báo cáo về sự việc trên. Tuy nhiên, hai ca này xảy ra cách nhau hơn 20 ngày nên cần xem xét kỹ lưỡng. Nếu hai ca xảy ra liền trong một ngày có thể nghi ngờ do lỗi của người thầy thuốc nhưng hai ca này lại xảy ra cách nhau khá lâu nên xác suất đó rất khó nói. Được biết, bác sỹ trực tiếp gây tê cho hai sản phụ trên có trình độ chuyên khoa cấp 1 về gây mê hồi sức, nên chưa thể vội vàng kết luận do tay nghề của bác sỹ được”.
Theo quan điểm của ông Hiệp, phía bệnh viện cũng cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh cho hai sản phụ này, xem đã đúng chưa, có sai ở đâu không. “Người thầy thuốc bao giờ cũng cố hết sức để bệnh nhân được an toàn, tuy nhiên cũng khó tránh khỏi những việc ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ, thuốc men có vấn đề, hàng nghìn ống, biết đâu có một ống gặp trục trặc. Hoặc tay chân mình gặp vấn đề, thậm chí bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, có tiền sử về thần kinh…”, ông Hiệp nhận định.
Được biết, sự việc hai sản phụ bị liệt chân sau sinh mổ xảy ra tại Yên Bái không phải là trường hợp cá biệt. Theo thông tin PV báo Người đưa tin nắm bắt được, tại Hà Tĩnh cũng từng xảy ra những trường hợp tương tự. Dù xảy ra ở những địa phương khác nhau, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sản phụ bị liệt đều bắt nguồn từ nguyên nhân, thuốc gây tê có vấn đề!? Lý giải cho băn khoăn này, Phó Chánh thanh tra bộ Y tế nhận định: “Hiện tại, chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, chúng ta cũng cần phải xem lại thông tin trên. Phải xem xét xem thuốc gây tê sử dụng là loại gì, kể cả 2-3 cơ sở sử dụng, nếu xảy ra vấn đề đều phải thanh kiểm tra. Đối với ngành y tế, khi chữa trị cho bệnh nhân, không bao giờ cho phép sử dụng một sản phẩm tồi. Do đó, khi xảy ra tai biến, chúng ta phải quay lại các quy trình, rà soát toàn bộ từ đó đưa ra so sánh. Bởi, thực tế có những vấn đề liên quan đến thuốc giả, thuốc thật mình không quản lý hết được. Thậm chí, có những hóa chất thế giới phát hiện ra mà chúng ta vẫn chưa phát hiện được”.
Đấu thầu thuốc giá rẻ mà gây tai biến thì…
Không ít người bệnh lo lắng, một số bệnh viện sử dụng thuốc gây tê giá rẻ có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc nhập từ Trung Quốc!? Giải thích cho điều này, ông Hà Hào Hiệp tái khẳng định: “Tại những nơi xảy ra tai biến vừa qua, phải xem lại seri thuốc đó lấy ở đâu, nguồn gốc nhập thế nào, tại sao nhập. Không phải thuốc rẻ mà hiệu quả. Đấu thầu thuốc rẻ mà gây tai biến thì rất nghiêm trọng. Nói chung cần phải xem lại quy trình quản lý của mình, đừng tưởng cứ rẻ là ngon”.
Trước thông tin PV cung cấp, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng từng xảy ra những sự việc tương tự, Phó Chánh thanh tra bộ Y tế cho rằng: “Báo chí cứ tìm hiểu kỹ thông tin lại đi. Tôi cũng chưa nắm hết. Nếu đúng sẽ cử thanh tra để xác minh”.
Để xác minh thông tin liên quan đến nguồn gốc số thuốc gây tê trên, PV báo Người đưa tin cũng liên lạc qua điện thoại với ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng cục Quản lý Dược (bộ Y tế), tuy nhiên vị này không nghe máy. Được biết, đơn vị này cũng vừa có văn bản yêu cầu kiểm nghiệm 100% lô thuốc nhập khẩu từ các công ty có thuốc vi phạm chất lượng. Động thái trên được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có nhiều thuốc nhập khẩu.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm thuốc các tỉnh, thành chịu trách nhiệm lấy mẫu 100% lô thuốc nhập từ các công ty có thuốc vi phạm chất lượng để kiểm nghiệm hoặc gửi đến các Viện để kiểm tra. Đồng thời, sở Y tế các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát các công ty nhập khẩu thuốc trên địa bàn thực hiện việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc trước khi đưa ra thị trường. Công văn này được thực hiện từ ngày 1/10 tới.
Ở một diễn biến khác, trả lời báo chí về sự việc xảy ra tại đơn vị mình, ông Hoàng Văn Công, Giám đốc bệnh viện đa khoa Lục Yên (Yên Bái) cho biết, liều thuốc mà các bác sỹ tiêm cho hai sản phụ bị liệt là thuốc gây tê. Sau khi sự việc xảy ra, ban giám đốc bệnh viện đã báo cáo lên sở Y tế tỉnh Yên Bái.
Sở cũng đã lập đoàn kiểm tra sự việc. “Ban giám đốc cũng đã yêu cầu các ca trực để xảy ra sự việc làm giải trình. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cá nhân liên quan còn phụ thuộc vào kết quả thanh tra của sở Y tế tỉnh Yên Bái”, ông Công nói thêm.
Theo Nguoiduatin