Đó là chia sẻ đáng suy ngẫm của ông Nguyễn Đăng Thạnh (Phó chủ tịch UBND thành phố Huế) trong buổi hội thảo “Truyền thông báo chí với phòng chống tác hại thuốc lá” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội y tế Công cộng Việt Nam, Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi tổ chức tại Hà Nội ngày 27/2/2014.
Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực thi Luật, ở nhiều địa phương nhất là Huế – nơi thực hiện chủ chương xây dựng thành phố không khói thuốc gặp phải những vướng mắc nhất định. Vướng mắc lớn theo ông Thạnh là chế tài, thực thi xử lý người hút thuốc lá chưa mạnh.
Theo tìm hiểu, pháp luật hiện hành quy định 9 đơn vị có thẩm quyền xử phạt bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra Y tế, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Cơ quan thuế và Thanh tra tài chính.
Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông PCTHTL, Tổ chức Heathbrige (Canada) nhấn mạnh: Để làm tốt và hiệu quả việc truyền thông về PCTHTL, tổ chức này đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật, cung cấp thông tin định kỳ cho các phóng viên báo chí để có nhiều bài viết về vấn đề này và tổ chức các cuộc thi viết bài, tuyên truyền về Luật PCTHTL để khuyến khích, động viên những bài viết có chất lượng. Về hình thức, tổ chức này lựa chọn tất cả các phương tiện truyền thông như báo in, báo mạng, báo phát thanh và truyền hình làm kênh truyền tải thông tin đến công chúng.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL thuộc hệ thống các văn bản pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nói chung, vì vậy có đến 4 nghị định có liên quan “điều tiết” vấn đề này. Cả 4 nghị định điều được Chính phủ ban hành trong năm 2013, gồm Nghị định 81, Nghị định 158, Nghị định 176 và Nghị định 185.
Tuy nhiên, đến nay, ngay cả những người tham gia quá trình xây dựng luật, nghị định cũng phải thừa nhận “người dân vẫn vô tư hút thuốc vì không bị xử phạt”, “các cơ quan chức năng không… thèm xử phạt”. Và để lý giải tình trạng luật chưa đi vào cuộc sống này, một số người ban hành văn bản cho rằng: Có thể trong một số lĩnh vực, việc xử phạt sẽ chưa thực hiện được ngay nhưng đó là cơ sở để nâng cao trách nhiệm quản lý!
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới) một lần nữa nhấn mạnh lợi ích của Môi trường không khói thuốc. Theo đó những lợi ích trực tiếp là: Cải thiện chất lượng không khí các khu vực trong nhà. Giảm mức ô nhiễm không khí (hiệu quả rõ rệt hơn ở các khu vực khác nhau). Giảm các triệu chứng do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Giảm trung bình 17% số ca nhồi máu cơ tim (nghiên cứu tiến hành tại Châu Âu, Mỹ, Canada). Tác động gián tiếp là giảm hút thuốc và tăng tỷ lệ bỏ thuốc, tăng năng suất lao động, giảm chi phí y tế, giảm chi phí bảo hiểm, giảm cháy nổ và hình ảnh cơ quan được cải thiện.
Đồng thời cũng trong buổi Hội thảo, nhiều tham luận nhấn mạnh: Truyền thông giữ vai trò quan trọng nhất trong việc thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.
Theo: phaply.net.vn