ThS Tạ Quang Lâm, Quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lưu ý: “Ngày mai (3-7), khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh (TS) phải đọc thật kỹ giấy báo dự thi và phải mang theo phiếu số 2 để có thể điều chỉnh sai sót. Nhiều năm qua, sau khi thi xong TS mới khiếu nại mình thuộc đối tượng ưu tiên nhưng không thể bổ sung được để cộng điểm vì TS không điều chỉnh trước ngày thi...”.
Nên đến làm thủ tục để khỏi mất cơ hội
TS Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết TS dự thi tuyển sinh vào trường nếu đủ điểm trúng tuyển sẽ được xét theo ba nguyện vọng: nguyện vọng 1 (đã đăng ký trong hồ sơ), nguyện vọng bổ sung (phân ngành/nhóm ngành để chuyển vào ngành/nhóm ngành còn chỉ tiêu sau khi đã xét nguyện vọng 1) và nguyện vọng chuyển sang hệ CĐ ngành bảo dưỡng công nghiệp.
Trường có sáu ngành dự kiến còn chỉ tiêu sau khi đã xét nguyện vọng 1 gồm: kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật trắc địa-bản đồ, kỹ thuật vật liệu xây dựng, kỹ thuật hệ thống công nghiệp, kỹ thuật dệt may, vật lý kỹ thuật-cơ kỹ thuật. “Sáng ngày 3-7, TS đến làm thủ tục dự thi sẽ được đăng ký thêm hai nguyện vọng bổ sung phân ngành. Nếu không đến trường ngày này, TS sẽ mất đi cơ hội” - ông Thông nói.
Năm nay khác mọi năm, TS phải đóng lệ phí dự thi, do vậy TS không nên chủ quan, cần có mặt trong ngày làm thủ tục để được cán bộ coi thi hướng dẫn nội quy phòng thi, tập điền các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm… Điều quan trọng của ngày đầu làm thủ tục dự thi giúp TS biết được địa điểm dự thi, phòng thi để ngày thi chính thức không phải mất thời gian dò tìm. Mọi năm vẫn xảy ra trường hợp TS tự đánh mất cơ hội của mình khi đến trường thi muộn hơn thời gian quy định.
Giấy nháp phải có chữ ký của cán bộ coi thi
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khuyên: “Trước mỗi phòng thi đều có thông báo những vật dụng được mang vào phòng thi, TS phải xem kỹ các quy định này để không gây phiền phức cho chính mình và cho cả hội đồng thi. Bộ GD&ĐT đã cung cấp danh sách những loại máy tính có thể mang vào phòng thi, đây là những loại máy không có thẻ nhớ và chức năng soạn thảo văn bản.
Do đó TS phải lựa chọn những máy tính nằm trong danh mục được cho phép. Năm nào cũng có trường hợp TS mang máy tính lạ, mặc dù không trái quy định của Bộ nhưng TS vẫn bị cán bộ coi thi giữ máy tính để kiểm tra phòng hờ gian lận”.
Đặc biệt lưu ý TS tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi để tránh bị đình chỉ thi, dù TS không sử dụng hoặc điện thoại đã tắt nguồn, hết pin... Nhiều trường hợp hi hữu như TS vào phòng thi mới nhớ mình mang điện thoại, cầm lên nộp cho cán bộ coi thi thì bị đình chỉ; hay TS sau khi nộp bài thi xong thì lấy điện thoại ra xem giờ, dù điện thoại đã tắt nguồn, liền bị xử lý đình chỉ thi.
Trước khi làm bài thi, TS phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi, giấy nháp và phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi lẫn giấy nháp. Mọi năm từng có trường hợp, thí sinh sau khi đã viết hết giấy nháp (có chữ ký của cán bộ coi thi), tự ý nháp vào một tờ giấy trắng khác và đã bị xử lý kỷ luật.
Khi nộp bài thi trắc nghiệm, TS luôn nhớ bài làm phải có hai chữ ký của hai cán bộ coi thi, nếu không sẽ không được chấm. TS chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép TS ra về.
hêm nhiều loại máy tính được mang vào phòng thi
Năm nay, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm bốn loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi là: Casio FX 570VN Plus; VinaCal 570ES Plus II; Vietnam Calculator VN 500ES Plus function, VN 570ES Plus. Ngoài ra, thí sinh được mang các loại máy: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500MS, FX 500ES, FX 500VN Plus, FX 570MS, FX 570ES, FX 570ES Plus; VinaCal 500MS, 570MS, 570ES Plus; Vietnam Calculator VN 500RS, VN 500ES, VN 570RS, VN 570ES; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS 153TS, F 710, F 720.
Đối với môn hóa học, TS không được phép mang vào phòng thibảng tuần hoàn Mendeleev.