Trước đó, dư luận cho rằng, Việt Nam nên bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, vì chính sách này vi phạm nhân quyền và có nguy cơ làm già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo TS Trọng, Việt Nam không hề có bất cứ văn bản quy phạm nào bắt buộc mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1-2 con. Đồng thời, cũng không có quy định xử phạt đối với hành vi sinh con thứ 3 trở lên. Khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1-2 con” là một khuyến cáo nhằm tuyên truyền, vận động người dân tự giác làm theo chứ không bắt buộc. Việc sinh từ 1-2 con không chỉ lợi ích cho xã hội mà còn có lợi cho từng gia đình khi có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn, các cặp vợ chồng cũng có thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp và chăm sóc bản thân nhiều hơn.
“Chiến lược dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam từ nay đến năm 2020 cũng nhằm mục tiêu điều chỉnh mức sinh hợp lý, mỗi phụ nữ sinh 2-2,1 con (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) để có quy mô dân số hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa của đất nước” – TS Trọng cho biết. Còn đối với cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản liên quan. Đối với các thành viên của cơ quan, tổ chức thì chấp hành kỷ luật theo quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác do cơ quan, tổ chức ban hành. Đối với công dân thì xử lý theo quy định của các hương ước, quy ước của cộng đồng, làng xóm đã được thỏa thuận và xây dựng trước đó.
Số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, năm 2012 tổng dân số cả nước là 88,77 triệu, số người trên 65 tuổi chiếm 7,1%. Nếu với mức sinh từ 2- 2,1 con/gia đình như hiện nay thì đến năm 2019, dân số là 102,68 triệu (10,1% người già), năm 2039 dân số là 106,88 triệu (14,75% người giá) và năm 2049 là 108,71 triệu (18% người già). Theo ông Trọng, đây là quy mô dân số hợp lý, không có biến động cần phải thay đổi điều chỉnh chính sách.
Theo: danviet.vn