Vũng Chùa - Đảo Yến là một vùng non nước hữu tình, nằm cách đèo Ngang (giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) chừng 10km về phía Nam; từ QL1A đi về phía biển chỉ cách chừng 3km. Ở đây có một hệ đồi núi vòng cung theo vịnh Vũng Chùa (bên vùng biển Quảng Đông). Phía Đông ngoài biển khơi, cách bờ chừng 2km là Đảo Yến, từ xa xưa chim yến thường chọn nơi này làm nơi trú ngụ, xây tổ mùa sinh sản. Ngay từ ngày 7/10, lực lượng chuyên trách đã được cử đến để bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này.
Non nước xứng danh nơi vĩ nhân an nghỉ
Không chỉ người dân ở xã Quảng Đông mà người dân cả huyện Quảng Trạch những ngày này đều thể hiện niềm tự hào trong từng hơi thở, từng lời nói, ánh mắt trước vinh dự to lớn được chọn để đón Đại tướng về yên giấc nghìn thu…
Từ tối 7/10, khi có thông tin chính thức chọn nơi an táng Đại tướng là Vũng Chùa – Đảo Yến, cô gái tên Phương (26 tuổi, gia đình sống tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch) đã chia sẻ trên Facebook: “Mình đã cảm động đến rơi nước mắt. Vậy là mình sẽ được đến viếng thăm bác (người quê hương Quảng Bình vẫn thường quen gọi Đại tướng với cái tên thân mật: bác Giáp - PV) thường xuyên rồi. Vũng Chùa – Đảo Yến: Đại tướng chọn nơi an nghỉ tuyệt vời! Xin đợi ngày đón bác về với quê hương…”
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính: “Đại tướng đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến là vùng đất rất đẹp, trung điểm của hai đầu đất nước, trung điểm giao thoa của các nền văn hóa để tình cảm của Đại tướng dành cho cả hai miền Nam - Bắc một nhà và cho cả Tổ quốc Việt Nam chúng ta”. |
Vừa chạm mặt chúng tôi ở UBND xã Quảng Đông, Chủ tịch UBND xã này - ông Võ Quang Đạt - đã không giấu nổi cảm xúc: “Có nằm mơ tôi cũng không dám tin đến chuyện khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến là nơi vị Tướng huyền thoại – Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ vĩnh hằng…”.
Ông Đạt kể, suốt mấy ngày nay, việc linh cữu Đại tướng sẽ được đưa về Vũng Chùa – Đảo Yến đang là vấn đề “thời sự nóng” bàn tán đầy tự hào của người dân xã Quảng Đông, từ bên mâm cơm gia đình cho đến chén trà đặc buổi sáng và cả những mẻ lưới trên biển.
Ông Đạt khẳng định: “Quả thực, chẳng có nơi nào ở đây đẹp hơn khu vực này. Nơi đây có núi Thọ quanh co hùng vĩ dài khoảng 2,5 km, dáng tựa thân giao long, có mũi Rồng kiên vững đâm ra tận mép sóng Biển Đông bằng muôn hình thù đẹp lạ của tầng lớp đá xanh đen. Trong trận bão số 10 vừa qua, dù địa phương chịu nhiều thiệt hại với 800/1.479 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ nhưng vùng núi Thọ vẫn tuyệt nhiên như không”. Ông Chủ tịch này còn nói thêm: “Nơi ấy phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp, an bình mà tôi khó có thể tả được bằng lời…”
Theo một vị cao niên ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông (thôn nằm sát khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến) là cụ Nguyễn Thực (84 tuổi) thì núi Thọ (nơi linh cữu của Đại tướng sẽ được chôn cất) uy nghiêm trước biển xanh quanh năm rì rào sóng vỗ. Đứng trên đỉnh núi nhìn ra là trông thấy hết một vùng Biển Đông và những góc phong cảnh hữu tình nơi đây. Phía Đông Bắc núi Thọ có hòn La, hòn Gió; phía Đông Nam có đảo Yến như những bức bình phong chắn giữ.
Ở phía Tây Bắc, núi Thọ được dãy Hoành Sơn ôm lấy che chắn nên qua bao mùa mưa bão, nơi đây vẫn không hề hấn gì. Đến mùa gió nồm, cây cối nơi đây vẫn không hề gãy đổ mà tươi tốt bình thường. Đứng trên thuyền giữa Biển Đông nhìn vào núi Thọ, người ta có thể thấy một thế dáng đầy oai phong như mãnh long vờn mây bay về phía biển…
Gần trên đỉnh núi Thọ có một vùng đất bằng phẳng rộng chừng hơn 2.000m2 mà theo cụ Thực, đó là nơi chôn cất người đã khuất quá ư tuyệt vời. Từ vùng dân cư, muốn lên núi Thọ chỉ cần hoặc nửa giờ dạo bộ, hoặc đường ô tô chạy được, nên “dù tuổi già, sức yếu nhưng với tình yêu thương, niềm tự hào vô bờ bến, tôi sẽ cố gắng để ngày ngày lên đó dâng nén tâm hương viếng Người…” – cụ Thực tâm niệm.
Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người già, người trẻ và được biết rằng, trên núi Thọ có đến 33 khe nước lớn nhỏ như những thân rồng uốn lượn chảy về hai mái núi Bắc - Nam, dòng nước trong những khe này rất ngọt và nước trong xanh suốt bốn mùa. Có nhiều khe đã được người bản địa đặt tên: giếng Động, Sẫm Bằng, Thụng Mua, Lá Bứa… và những nơi này mạch nước chưa bao giờ vơi cạn, dù kể cả giữa những ngày hè khô khắt. Với nhiều thanh niên trong vùng, núi Thọ gắn liền với họ trong ký ức nguyên sơ cùng những buổi chăn trâu, bắt chim vui đùa con trẻ…
Và chỉ chưa tròn tuần nữa thôi, núi Thọ và khu vực nước non như một bức tranh thủy mặc này – Vũng Chùa – Đảo Yến là nơi an giấc nghìn thu của vị Tướng huyền thoại của dân tộc, của nhân loại – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi đây, linh hồn, ý chí và đức độ của người sẽ sống mãi cùng đất nước, dân tộc. Ngày ngày, người sẽ được vỗ về bởi tiếng vi vu của rừng cây phi lao đuổi gió, tiếng những đàn yến lượn hót líu lo, tiếng ru êm của những sóng biển khơi bạc đầu vờn bờ cát trắng yên bình mãi ngàn năm…
“Quảng Bình sẽ tổ chức Lễ tang trang trọng cho Đại tướng bằng cả tấm lòng”
Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê hương Quảng Bình – ông Lương Ngọc Bính - trong buổi trả lời phỏng vấn với chúng tôi vào sáng 9/10.
Ông cho biết: “Sau khi được tin Đại tướng từ trần và Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam đã quyết định tổ chức quốc tang tại Quảng Bình, chúng tôi đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng một số đồng chí lãnh đạo huyện Lệ Thủy, xã Lộc Thủy - quê hương nơi Đại tướng sinh ra. Chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo, họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành, đồng thời tổ chức cho các tầng lớp nhân dân đến thăm viếng và dự Lễ truy điệu Đại tướng tại quê nhà. Chúng tôi nguyện làm hết tất cả sức mình, bằng tất cả những tình cảm và tấm lòng tự hào của mình dành cho Đại tướng để Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng diễn ra thật chu đáo và trang trọng, thể hiện được tấm lòng, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình dành cho Đại tướng.
Sau khi Đại tướng mất và có quyết định an táng tại quê nhà, mà nay cụ thể là khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), đây là thể theo nguyện vọng của gia đình và theo di chúc của Đại tướng. Cách đây 10 năm, gia đình và Đại tướng đã nhiều lần tiến hành lựa chọn địa điểm. Những năm gần đây, gia đình đã xác định Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi phù hợp nhất; sau đó, đã vẽ sơ đồ báo cáo lên Đại tướng và được Đại tướng bút phê đồng ý. Vì vậy, sau khi nghe gia đình báo cáo nguyện vọng và di chúc của Đại tướng, Bộ Chính trị đã thể theo nguyện vọng này.
Tôi nghĩ rằng, ở đâu trên đất Quảng Bình cũng là quê hương của Đại tướng. Bởi mỗi người dân Quảng Bình chúng tôi đều tự hào về Đại tướng của chúng tôi, Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của nhân loại. Và rộng ra, ở đâu trên đất nước Việt Nam này cũng là quê hương của Đại tướng.
Đại tướng đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến là vùng đất rất đẹp, tựa chân vào dãy Hoành Sơn, có núi Thọ, mũi Rồng hướng ra đến biển. Phía trước mặt là biển Đông bao la, có đảo Yến, có hòn La, hòn Gió như những bức bình phong chắn giữ. Đây cũng là trung điểm của hai đầu đất nước. Phải chăng Đại tướng đã chọn chỗ này là nơi trung điểm giao thoa của các nền văn hóa và là trung điểm nối hai đầu đất nước, để tình cảm của Đại tướng dành cho cả hai miền Nam - Bắc một nhà và cho cả Tổ quốc Việt Nam chúng ta”.
Khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho Lễ an táng Đại tướng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Nguyễn Hữu Hoài vừa tiến hành thị sát khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến để kiểm tra thực địa, thực hiện các công việc chuẩn bị chu đáo để Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động. Vị trí an táng được xác định trên núi Thọ, ở độ cao 110m so với mặt nước biển. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội tiêu binh danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội sẽ di chuyển vào để đảm nhiệm các nghi thức an táng trọng thể. Có 25 xe tiêu binh, xe chở di hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Quốc phòng điều động từ TP.Hồ Chí Minh (thuộc Quân khu 7) ra Quảng Bình bằng đường sắt. Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, đã giao việc làm đường vào khu vực an táng Đại tướng cho Tập đoàn Trường Thịnh thi công và hiện đơn vị thi công đã huy động hơn 100 máy móc, phương tiện và gần 1.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật ngày đêm khẩn trương cho việc đại sự này. |
Theo: Nguyên Phong/ phapluatvn.vn