Để có được kết quả đó trước hết phải nói đến trách nhiệm cao của thí sinh trong quá trình dự thi. Các em giờ không còn trông mong vào những “phao” mà dồn hết ý chí, kiến thức mình đã dùi mài trong suốt 12 năm học để nắm bắt một cơ hội vào đời.
Để có kết quả đó cũng phải kể đến công tác chuẩn bị thi từ cấp cao nhất đến các cơ sở tổ chức thi cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT liên tục sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về tuyển sinh theo hướng có lợi cho thí sinh và theo hướng nghiêm túc, công bằng cho kỳ thi. Qua các văn bản pháp quy đó, cũng như sự nghiêm túc của các kỳ thi trước đó, các em đã nhận thức được con đường đại học phải bằng kiến thức của chính mình. Từ nhận thức các em đã có ý thức trong quá trình tham gia thi. Do vậy, kết thúc đợt thi đầu tiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT có 134 thí sinh vi phạm kỷ luật (chủ yếu do mang điện thoại vào phòng thi) trên tổng số 650.000 thí sinh dự thi quả là tỷ lệ rất nhỏ. Hy vọng, trong kỳ thi tới những lỗi vi phạm không đáng có này lại tiếp diễn.
Để có kết quả này còn phải kể đến công sức của đông đảo cán bộ tổ chức thi, giám thị tham gia coi thi. Với tinh thần trách nhiệm cao, vì quyền lợi của thí sinh và vì tính nghiêm minh, công bằng của kỳ thi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ nặng nề, bởi tính chất của kỳ thi vốn rất căng thẳng. Mọi sơ xuất ở mỗi khâu: Từ ra đề, đến in, chuyển đề và coi thi đều dẫn đến hậu quả rất lớn. Hậu quả đó sẽ tác động rất lớn đến xã hội, đến từng thí sinh và từng gia đình thí sinh. Không ít cán bộ khi được tham gia kỳ thi tỏ ra lo lắng. Họ lo lắng là lẽ thường vì nếu có sai sót thì theo quy chế sẽ bị kỷ rất nặng, có thể đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn 69.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi có lẽ đều có tâm trạng chung đó. Nhưng từ ý thức mức độ quan trọng của kỳ thi họ đã nhận thức trách nhiệm to lớn của mình đối với xã hội, đối với tương lai của thế hệ trẻ để vượt lên những lo ngại và hoàn thành nhiệm vụ.
Để có được điều đó không thể phủ nhận sự ủng hộ to lớn của cả hệ thống xã hội. Đó là ý thức và trách nhiệm của một đội ngũ đông đảo những cán bộ không trực tiếp tham gia công tác thi nhưng đã phục vụ hết mình chỉ với một mong muốn kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đó là những tấm lòng cao đẹp của người dân, dẫu không có người nhà tham gia thi nhưng sẵn lòng hỗ trợ các sĩ tử. Họ sẵn sàng gạt bỏ mọi nhu cầu về lợi ích để giúp đỡ thí sinh.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm là một hoạt động rất lớn và có ý nghĩa xã hội cao, với ý thức và trách nhiệm cao của toàn hệ thống chính trị xã hội, chắc chắn kỳ thi sẽ thành công trọn vẹn. Và xã hội cũng hoàn toàn tin tưởng vào tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Theo: GD&TĐ