Quảng Nam, trong lịch sử, ngoài việc được nhắc đến là một vùng đất có địa thế, điều kiện tự nhiên hết sức đặc biệt - “vùng đất mở”, còn được nhắc đến như là một “vùng đất học”, “vùng văn hoá”, mà những cụm từ như “Ngũ phụng tề phi”, “Địa linh nhân kiệt”, “đất học vùng văn”... có thể xem như là “thương hiệu” khi nói về truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng, truyền thống văn hoá của vùng đất này. Truyền thống hiếu học của vùng đất này có thể đặt cạnh xứ Nghệ, để “so sánh”, “xếp hàng” trong vinh danh về truyền thống hiếu học ở Việt Nam. Mảnh đất nơi đây dù trong hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, tinh thần tự học, tự vươn lên luôn được đề cao, những tấm gương học tập của các thế hệ đi trước luôn là động lực cho các thế hệ sau tiếp nối. Những chí sĩ, các nhà khoa bảng đã làm Quảng Nam vang danh một thời như 3 tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; 2 phó bảng Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến (5 người này đỗ đầu trong kỳ thi năm Mậu Tuất 1898 được vua Thành Thái ban tấm biển ghi 4 chữ “Ngũ phụng tề phi”); Tiểu La, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh,... đã trở thành những biểu tượng, những tấm gương, “tượng đài” về truyền thống hiếu học của người Quảng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, mà ngày nay trong những ngôi trường, trong những tiết học, trong những gia đình, dòng họ, trong những câu chuyện về giáo dục con cái vẫn được nhắc đến một cách đầy tự hào và kính phục. Chính họ đã góp phần tạo lập thương hiệu, truyền thống là động lực cho sự học của người Quảng trong hiện tại và trong tương lai.