Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcThanh Hóa: Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Thanh Hóa: Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Thứ bảy, 23 Tháng 4 2022 01:16
Nhằm tri ân công lao đóng góp của Nhà sử học Lê Văn Hưu cho nền văn hóa và sử học nước nhà, sáng ngày 21/4/2022, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông (1322-2022). Dự buổi lễ có đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ kỷ niệm.

huu 1

Nhà Sử học Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230), mất ngày 23-3-1322 (năm Nhâm Tuất), thọ 93 tuổi. Ông người làng Thần Hậu (tức Phủ Lý Nam) xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều chép: Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khoa Đinh Mùi (1247) dưới triều Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên lấy tam khôi: Trạng nguyên Nguyễn Hiền (13 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi) và Thám hoa Trịnh Ma La (14 tuổi). Lê Văn Hưu không chỉ là sử gia thiên tài, mà còn là một nhân cách lớn với tư tưởng tiến bộ là đề cao tinh thần dân tộc. Bởi, mỗi đất nước phải có lịch sử riêng của mình và Lê Văn Hưu được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam. Với trí tuệ uyên bác, Lê Văn Hưu đã dày công tập hợp, chỉnh lý một khối lượng tư liệu lịch sử khá đồ sộ để biên soạn được bộ lịch sử 30 cuốn. Việc Lê Văn Hưu soạn Quốc sử đã thể hiện rõ thái độ đề cao sự tồn tại dân tộc ta với tư cách một quốc gia có tiến trình lịch sử lâu đời.

huu 2

huu 3

 

huu 4

huu 5

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm

Đặc biệt hơn – như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra - chính tinh thần dân tộc đã giúp Lê Văn Hưu có lúc vượt ra khỏi ước thúc của đạo đức Nho giáo để đạt được quan điểm sử học tiến bộ. Để chứng minh cho nhận định này, người ta đã dẫn ra một trong những lời bình hay, đầy xúc cảm của sử gia họ Lê khi bàn về Hai Bà Trưng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 60 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.

 Hầu hết các sử gia từ trước tới nay đều công nhận Đại Việt sử ký của lê Văn Hưu giữ vị trí là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Dù nguyên tác của tác phẩm đã không còn nhưng 30 lời bàn của ông được trân trọng giữ lại trong Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của dân tộc. Tài năng và cống hiến cho sử học của ông xứng đáng như nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng tôn vinh: “Lê Văn Hưu là đại thủ bút đời Trần” và “là nhà chép sử giỏi”.

Thiệu Ninh

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516