Nguyễn Văn Biểu
Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Trong bài viết “Đi tìm một vị quan đại thần triều Nguyễn” của tác giả Đoàn Xuân Trường đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 500, tháng 10-2018 (từ trang 38-40) bước đầu nêu được một phần nhỏ về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của vị quan đại thần triều Nguyễn ở đầu thế kỷ XX, dù có ý kiến tán đồng với tác giả, có ý kiến cần trao đổi thêm. Bài viết này không nhằm mục đích tranh luận với tác giả Đoàn Xuân Trường, mà chúng tôi với những tư liệu đã tiếp cận được, cùng với những trao đổi, cung cấp thêm từ hậu duệ của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt ở Ninh Giang, Hải Dương. chúng tôi muốn cung cấp thêm một số tư liệu gốc giá trị từ chính sử triều Nguyễn, từ nguồn lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Hi vọng qua đây và trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục làm sáng tỏ thêm về thân thế, sự nghiệp làm quan cùng những đóng góp cho đất nước của ông từ một phần nhỏ đã được truyền tải trong bài viết này.
1. Con người, sự nghiệp và quá trình làm quan tại các địa phương
Đến nay, đã hơn 90 năm kể từ khi Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Hộ, rồi Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh, sung Cơ mật viện Đại thần[1], Ninh Lãng Nam Đoàn Đình Duyệt mất, cũng là khoảng thời gian gần tròn một thế kỷ ông rời khỏi quan trường (1921-2020). Có rất ít tư liệu lịch sử viết và nhắc đến ông, những tư liệu ghi chép về ông hồi đầu thế kỷ XX cũng hiếm hoi, đa phần bằng chữ Hán và chữ Pháp, đòi hỏi cả một quá trình sưu tầm, dịch thuật tại các Trung tâm lưu trữ, Thư viện Quốc gia của Pháp và Việt Nam. Trong bài viết này, qua những tư liệu lịch sử, do các sử thần của Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn, chúng tôi hi vọng sẽ làm sáng tỏ thêm về cuộc đời và sự nghiệp, cùng với những đóng góp của một vị đại thần triều Nguyễn, bổ sung thêm những khoảng trống trong lịch sử địa phương tỉnh Hải Dương, cũng như lịch sử dân tộc.
Thượng thư Đoàn Đình Duyệt (1862-1929), còn có tên là Đoàn Đình Nhàn[2] (quan thượng Đoàn), quê ở xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại (nay là thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang), tỉnh Hải Dương. Ngay từ nhỏ ông Đoàn Đình Nhàn đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm chỉ. Thuở nhỏ, cha mất sớm, do vậy ông không được học tập tốt, vì vậy ông vào “ngạch nhà nước muộn”[3]. Như lời ông nói trong Thư cảm tạ khi được nhận Sắc phong của vua Khải Định “Hạ thần… con nhà tầm thường, nghèo nàn từ bé, hạ thần đã không học tập tốt. Thế nên vào ngạch nhà nước muộn”.
Ông bắt đầu vào làm việc tại Nghệ An năm 1885, như lời ông nói: “Hạ thần… nguyên quán Bắc Kỳ[4]… sự nghiệp hành chánh của hạ thần đã bắt đầu năm thứ nhất triều đại Đồng Khánh… Được vào chính quyền tỉnh Nghệ An, ba năm sau hạ thần được lên chức Kinh Lịch”[5]. “Sau thời gian tập sự, hạ thần được giao chức Tri huyện và Tri phủ và được cất nhắc liên tiếp lên đến hàng quan lại tỉnh”[6].
Năm 1907, khi đang làm chức Bố chánh tỉnh Nghệ An, sau đó ông được đổi bổ về Quảng Ngãi, làm Tuần Phủ. Đến năm 1910, ông được giữ chức “quyền lãnh Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh)”[7]. Tới 5 năm sau (năm 1915), ông lại được bổ làm Tổng đốc[8] tỉnh Bình Phú[9] (Bình Định - Phú Yên). Năm Duy Tân thứ 10 tháng 2 Bính Thìn -1916 khi đang làm Tổng đốc tỉnh Bình Phú ông được điều về Huế thăng Thự Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Hộ sung Phụ chánh Đại thần. Đây là một Hội đồng tối cao dưới vua. Quan chế triều Nguyễn quy định, những Đại thần trong cơ quan này phải gồm các Hoàng thân, quốc thích, huân nghiệp đại thần, có quyền thay mặt nhà vua điều khiển triều chính, khi vua còn nhỏ tuổi, đi xa, ốm đau, hoặc băng hà chưa có người nối ngôi.
2. Đại thần triều Nguyễn (1916-1921)
Đến năm 1916, vua Khải Định khi 31 tuổi, đã giải thể phủ Phụ chánh, cho đổi “Phủ Phụ chánh trở lại như cũ thành Viện Cơ mật,… Thự Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Hộ bộ Thượng thư Đoàn Đình Duyệt, truyền đều sung làm Cơ mật viện Đại thần”[10]. Đến tháng 8, năm Bính Thìn, Khải Định thứ 1 (1916), ông được tấn phong tước Ninh Lãng nam[11]. Như vậy, khi 54 tuổi, ông còn được gia phong thêm tước và được sung vào Cơ mật Viện, một cơ quan cao nhất trong Tổ chức bộ máy chính quyền trung ương triều Nguyễn hồi đầu thế kỷ XX.
Đến tháng 2 (nhuận), năm Đinh sửu (1917) ông được vua Khải Định ban Dụ thăng “thực thụ Hiệp biện Đại học sĩ đổi lãnh Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh kiêm quản Đô sát Viện, vẫn sung Cơ mật Viện Đại thần”[12].
Nói về đóng góp của ông đối với đất nước ngay trong lời Dụ của vua Khải Định, tháng 8, năm Bính Thìn (1916), đã khen ngợi ông khi còn làm quan ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi và Bình Định, Phú Yên: “… ngày trước nhậm chức ở Hoan Châu (chỉ đất Nghệ An) có nhiều tiếng tốt… Lúc chuyển trông coi các trấn Nghĩa Định (Quảng Ngãi - Bình Định) cũng lập được nhiều chính tích. Công lao và tài năng ấy thực đáng khen thưởng”[13].
Những ý kiến của Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh Đoàn Đình Duyệt điều trần về việc thân định giáo điều, chỉnh sửa phong tục ở chốn hương thôn tâu lên vua Khải Định, là những ý kiến rất có giá trị đối với thực tiễn ở các làng xã nước ta lúc bấy giờ. Sớ đại lược nói: “Trộm nghĩ hương đảng là một phần của nhân dân cả nước, phong tục là cái bóng của chính trị cả nước, cho nên xem phong tục của một làng có thể biết chính trị của một nước”. Điều này rất giống với những lời mở đầu của nhiều bản hương ước, nhất là sau năm 1921, thường có câu “Hương đảng là tiểu triều đình…”.
Ông nói thêm: “Người xưa cho rằng trong việc cai trị thì không gì gấp bằng giáo hóa nhân dân, thành toàn phong tục. Quốc triều ta từ khi đại định trở đi, định rõ luật lệ, phàm việc có quan hệ tới phong hóa như lễ pháp trưởng ấu tôn ty, nghi thức quan hôn tang tế, cho tới điều lệ hương ẩm, nghi tiết hương hội không gì không rõ ràng, đó là vì thế đạo nhân tâm mà mưu tính rốt ráo vậy”.
Điều ông nói: “Duy quốc dân chưa thể hiểu hết luật văn, làm theo luật ý, cứ thế lâu ngày lại coi việc đọc luật là con đường bị cấm phải tránh đi, mờ mịt không biết gì”. Thực tế dân ta đầu thế kỷ XX, số người biết chứ Hán Nôm thuộc tầng lớp bình dân không nhiều, chữ Quốc ngữ thì không phải ai cũng biết, trong khi đó luật của An Nam và luật của chính phủ Bảo hộ, không phải ai cũng hiểu.
Ông tâu: “Nay xin nói gọn lại, một là thể lệ không được thống nhất, hai là quyền hào tích tệ, ba là chức sự không có người chuyên trách, bốn là kẻ gian ngoan không bị ước thúc”. Đây cũng là những điều thực tế xã hội lúc bấy giờ, cũng như những tệ hại của xã thôn Việt Nam khi đó. Vì vậy, mà thực dân Pháp đã đang phải thí điểm thử nghiệm hương ước ở tỉnh Hà Đông và tỉnh Bắc Ninh, để sau đó cả chính quyền thuộc địa Pháp và Nam triều ban hành những chính sách cải lương chốn hương thôn, năm 1921, và cho ban hành hương ước, quy định những điều cụ thể, cũng chính là điều chỉnh phong tục tệ xấu chốn làng quê, và cũng là tục lệ hóa những văn bản nhà nước, mà dân trí còn thấp ở các làng quê dễ hiểu, bằng những điều mục trong hương ước.
Ông đề nghị soạn ra Phong tục lệ ngôn, giao cho mỗi tỉnh phủ đều một bản. Phàm những việc ngày thường quan dân vẫn làm, nhất nhất theo: “1. Đại cương về luân lý. 2. Việc giao tế giữa con người. 3. Khoán ước trong xóm làng. 4. Lệ thường trong việc tế tự hôn tang. 5. Chi phát tiền thóc cùng các loại sổ sách giấy tờ. 6. Chức trách của hào lý. 7. Phận sự của nhân dân. 8. Cách thức vệ sinh. 9. Công việc tuần phòng. 10. Khuyên khích học hành giữ nghề gốc. 11. Phép tắc xử đoán. 12. Phân biệt thiện ác”… Sách Phong tục lệ ngôn, trên ghi Hán văn, dưới dịch ra chữ Quốc ngữ cho được phổ thông[14].
Về việc Mua gạo để đề phòng chẩn tế cứu đói cho dân. Ông tâu: “Xin chuẩn bị mua gạo ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ để đề phòng phải chẩn tế” để cứu đói trong khi dân đang bị lũ lụt. Sử chép: “Năm nay nước to hơn mọi năm, lại mưa nhiều, thóc của nhà nông không thể phơi khô, bị hư hỏng mục nát nhiều… khó tránh khỏi đói kém”[15].
Trong một buổi vua thiết triều thường lệ, vào tháng 12 năm Đinh Sửu (1917) Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt, đã Tâu xin về việc giá gạo Bắc Kỳ rất rẻ vì thiếu tiền, ông kiến nghị xin đúc thêm tiền đồng để gia tăng việc mậu dịch[16], vì đúc thêm tiền sẽ khiến cho lưu thông tiện lợi, vua thấy việc đúc tiền là phải. Cho chuẩn y thi hành.
Trong lời Tâu trình về việc trù tính việc chẩn cấp cứu đói cho dân Thanh Hóa vào ngày 1 tháng 8 năm Canh Thân, Khải Định thứ 5 (1920), Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt cho rằng không nên lấy tiền quyên được (18.000 đồng) vào việc xây dựng thay cho chẩn cấp. Mà tiền chẩn cấp dùng để cứu đói cho dân. Vua Khải Định cũng đồng tình cho rằng: “Mất mùa dân khổ quốc gia không chẩn cấp được, lại lấy tiền quyên góp để xây dựng là lợi dụng tiền của dân để hoàn thành việc khác… xua dân đói để lao dịch nặng nhọc là muốn cho dân chết mau, sao có thể gọi là kế sách cứu đói tốt đẹp”[17]. Ngoài ra, ông còn cho rằng về nạn cường hào, nhũng nhiễu ở các làng xã: “Phần nhiều là do hào lý tư tệ”, “Các xã thôn ở Trung Kỳ hàng năm chi vào việc làng, xã lớn khoảng 3000 quan, xã nhỏ không dưới 1000 quan mà không từng làm việc ấy”[18].
Khi nói về Mối lợi khi mở một đường sông, để tránh được nỗi khổ cho dân không bị hạn bởi thiếu nước ở Nghệ An; Ông tâu nói: “Các hạt Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc mỗi khi bị hạn thì không có nước, nếu đào sông ấy có thể tránh được nỗi khổ cho dân” [19]. Vua thấy quả có lợi cho dân, nên chuẩn cho như lời xin.
Tâu xin về việc đặt trường giảng dạy nghiên cứu thuốc Nam, ông nói: “cũng nên tự ta trồng trọt, thí nghiệm dược phẩm thì lâu ngày có thể tinh tường”[20]…
Năm Tân Dậu, Khải Định thứ 6 (1921), tháng 7. Vì bị dính vào một vụ án mà Ninh Lãng Nam Đoàn Đình Duyệt, Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh, kiêm quản Đô sát Viện, Cơ mật Viện Đại thần bị tội giáng chức xuống tuần phủ, đoạt lại tước phong, phải trí sĩ về hưu khi mới 59 tuổi. Đây là vụ án mà Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh, kiêm quản Đô sát Viện Đoàn Đình Duyệt bị khép vào tội “Tạo yêu thư yêu ngôn” chứ không phải mắc phải tội tham nhũng, hay phản quốc. Đó là tội liên quan tới duy tân, cách mạng mà cả triều Nguyễn lẫn thực dân Pháp đều lo sợ. Bằng chứng là năm 1916, ông vua yêu nước Duy Tân đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội hòng chống lại sự “Bảo hộ” của Pháp để thiết lập chính thể Quân chủ lập hiến (nền cộng hòa, còn vua nhưng chỉ là tượng trưng). Sự việc thất bại vua Duy Tân bị khép vào tội, với lý do: “Phế đế Duy Tân bị mê hoặc, nhân lúc nửa đêm đem vài thị tùng rời khỏi hoàng thành ra ngoài để hiệu triệu quân dân, không ngờ sự cơ bị bại lộ, tự chuốc tai họa…”[21], còn bị phế bỏ ngôi vị, bị kết tội: “nghe lời xu nịnh, làm cho xã tắc khuynh nguy”, rồi bị đày đi đảo Rây-ni-ông (Réunion) (thuộc địa của Pháp, nằm tiếp giáp với Ma-đa-gát-ca, ngoài khơi phía Đông Nam của Châu Phi).
Rõ ràng tội của ông Đoàn Đình Duyệt lúc bấy giờ là tội đọc và tàng trữ những Tân thư, Tân văn khi mà những luận thuyết duy tân, cách mạng, cải cách trên thế giới khi đó đang phát triển mạnh mẽ, những tư tưởng cách mạng tư sản, vô sản, với những nhà nước mô hình kiểu mới, thì làm sao ông không bị khép vào tội tạo yêu thư yêu ngôn được!
Năm Giáp Tý, Khải Định thứ 9 (1924), tháng 6, ngày 13, đúng như khi giáng tội vua Khải Định đã nói rằng: “… năm nào có dịp khánh tiết sẽ xem xét có chỉ gia ân riêng… thì được hưởng theo ân điển mới mà hưởng ân trạch”[22]. Đến đây, vua Khải Định đã khôi phục lại chức tước cho ông trở lại như cũ: “Ân chuẩn cho Tuần phủ trí sự Đoàn Đình Duyệt được khai phục nguyên chức tước, cùng cấp cho tiền hưu bổng”[23].
Như vậy, những năm cuối đời, cựu Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã được khôi phục lại chức tước và danh dự. Suốt một đời làm quan kể từ năm 1885 cho đến năm 1921, với gần 40 năm, ông đã có nhiều đóng góp cho nhà Nguyễn, cứu trợ nhân dân các địa phương nơi ông cai trị. Những năm cuối đời ông còn có nhiều đóng góp cho quê hương nơi ông sinh ra và trí sĩ. Ông mất ngày 31 tháng 1 năm 1929, tại thị trấn Ninh Giang quê nhà[24]. Từ năm 1939 hài cốt của ông được chuyển về đặt tại Đống Tháp, thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
3. Kết luận
Như vậy, có thể thấy rằng những đóng góp của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt với đất nước và quê hương là không hề nhỏ, thậm chí ông còn bị khép vào tội đã lưu giữ sách vở với những tư tưởng tiến bộ, cách mạng của Lương Khải Siêu. Quốc sử triều Nguyễn cũng dành nhiều trang để chép về ông trong Quốc sử triều đình Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời làm quan của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt, tuy ông đỗ đạt chưa cao, nhưng nhờ “thông minh… mưu tính việc gì cũng thành công”, “có nhiều tiếng tốt”, cùng với những nỗ lực, trên mọi công việc, từ chức vụ nhỏ nhất khi còn tập sự cho đến khi làm Tri phủ, Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh khác nhau tới khi được triệu về Huế đầu năm 1916, giữ những trọng trách cao hơn. Xét thấy ông đã có nhiều đóng góp cho dân, cho nước, như: Điều trần về việc thân định giáo điều, chỉnh sửa phong tục; Mua gạo để đề phòng chẩn tế cứu đói cho dân; tâu trình về việc trù tính việc chẩn cấp cứu đói cho dân Thanh Hóa; Mối lợi khi mở một đường sông, để tránh được nỗi khổ cho dân không bị hạn bởi thiếu nước ở Nghệ An; Tâu xin về việc giá gạo Bắc Kỳ rất rẻ vì thiếu tiền, kiến nghị xin đúc thêm tiền đồng để gia tăng việc mậu dịch; Tâu xin đặt trường giảng dạy nghiên cứu thuốc Nam “cũng nên tự ta trồng trọt thí nghiệm dược phẩm thì lâu ngày có thể tinh tường”… Với những đóng góp lớn lao cho triều đình nhà Nguyễn, Ninh Lãng nam Đoàn Đình Duyệt, Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh kiêm quản Đô sát Viện, Cơ mật Viện Đại thần, đã được ban thưởng, tặng thưởng nhiều danh vọng cao quý như: Cao Man bội tinh, Bắc Đẩu bội tinh, Kim khánh, Kim tiền…”[25]. Vua Khải Định cũng phải khen ngợi trong Ban Dụ khi phong tước Ninh Lãng Nam cho ông: “Một người giá trị như khanh nghĩa là văn võ toàn tài thì phải được kính trọng trong các tỉnh và ở tại triều đình”[26]./.
N.V. B
(Bài trên đăng trong Tạp chí Xưa & Nay số 518 (tháng 4-2020), các trang: 24, 25, 26, 27, 28)
[1] Theo: Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Nxb Thời Đại, 2010, tr.317. Các đại thần trong Viện Cơ mật dưới thời vua Khải Định năm 1916, đứng ở vị trí thứ 6 là: Thự Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Hộ bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện Đại thần, Ninh Lãng nam Đoàn Đình Duyệt.
[2] Vì kính tránh đồng âm với tôn húy chữ Nhàn nên xin đổi thành tên Đình Duyệt.
[3] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Nxb Thuận Hóa, 1998, tr.107.
[4] Không thấy đề tên vị quan đã giúp đỡ ông Duyệt là ai? Nhưng chắc có vai trò và uy tín lớn.
[5] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.107.
[6] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.107-108.
[7] Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Sđd, tr.542.
[8] Tổng đốc: chức đặt ở các tỉnh lớn, hoặc kiêm thêm một tỉnh khác. Tổng đốc thường kiêm hàm Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử. Riêng Thanh Hoa (quê hương nhà Nguyễn) chỉ chuyên hạt 1 tỉnh, Sơn Hưng Tuyên thì kiêm hạt những 2 tỉnh, nghĩa là Sơn Tây kiêm thêm tỉnh Hưng Hóa và tỉnh Tuyên Quang.
Tuần phủ: chuyên hạt 1 tỉnh, như Tuần phủ Quảng Trị. Tuần phủ thường kiêm hàm Binh bộ Tham tri hoặc Thị lang kiêm Đô sát viện Hữu phó đô ngự sử.
[9] Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Sđd, tr.624.
[10] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.330-331.
[11] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.384.
[12] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.137.
[13] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.384.
[14] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.143-144.
[15] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.176.
[16] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.185.
[17] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.298-299.
[18] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.299.
[19] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.238.
[20] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.255.
[21] Nguyễn Văn Biểu, Quảng Nam trước và trong cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội năm 1916, in trong sách: “100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916-2016)”, Nxb Đà Nẵng, 2016, tr.258.
[22] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.402.
[23] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.460.
[24] Trong Công điện của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ báo tin “Cựu Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã mất ngày 31/01 ở Ninh Giang, Hải Dương”, tlđd, tờ 30.
[25] Đoàn Xuân Trường, Đi tìm một vị đại quan triều Nguyễn, Tạp chí Xưa Nay, số 10 (2018), tr.40.
[26] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.99.
[1] Theo: Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Nxb Thời Đại, 2010, tr.317. Các đại thần trong Viện Cơ mật dưới thời vua Khải Định năm 1916, đứng ở vị trí thứ 6 là: Thự Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Hộ bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện Đại thần, Ninh Lãng nam Đoàn Đình Duyệt.
[1] Vì kính tránh đồng âm với tôn húy chữ Nhàn nên xin đổi thành tên Đình Duyệt.
[1] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Nxb Thuận Hóa, 1998, tr.107.
[1] Không thấy đề tên vị quan đã giúp đỡ ông Duyệt là ai? Nhưng chắc có vai trò và uy tín lớn.
[1] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.107.
[1] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.107-108.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Sđd, tr.542.
[1] Tổng đốc: chức đặt ở các tỉnh lớn, hoặc kiêm thêm một tỉnh khác. Tổng đốc thường kiêm hàm Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử. Riêng Thanh Hoa (quê hương nhà Nguyễn) chỉ chuyên hạt 1 tỉnh, Sơn Hưng Tuyên thì kiêm hạt những 2 tỉnh, nghĩa là Sơn Tây kiêm thêm tỉnh Hưng Hóa và tỉnh Tuyên Quang.
Tuần phủ: chuyên hạt 1 tỉnh, như Tuần phủ Quảng Trị. Tuần phủ thường kiêm hàm Binh bộ Tham tri hoặc Thị lang kiêm Đô sát viện Hữu phó đô ngự sử.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Sđd, tr.624.
[1] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.330-331.
[1] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.384.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.137.
[1] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.384.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.143-144.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.176.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.185.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.298-299.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.299.
[1] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.238.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.255.
[1] Nguyễn Văn Biểu, Quảng Nam trước và trong cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội năm 1916, in trong sách: “100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916-2016)”, Nxb Đà Nẵng, 2016, tr.258.
[1] Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Sđd, tr.402.
[1] Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ phụ biên, Sđd, tr.460.
[1] Trong Công điện của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ báo tin “Cựu Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã mất ngày 31/01 ở Ninh Giang, Hải Dương”, tlđd, tờ 30.
[1] Đoàn Xuân Trường, Đi tìm một vị đại quan triều Nguyễn, Tạp chí Xưa Nay, số 10 (2018), tr.40.
[1] Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.99.