Một phần bức tranh Gốm màu Hạ Long
Mỗi lần dừng lại ngắm, quan sát, tôi rất muốn gặp tác giả để tìm hiểu, nhưng không có manh mối. Qua nhiều nguồn tin, cuối cùng người viết bài này cũng gặp được tác giả. Đó là kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, anh cho biết, bức tranh do nhóm tác giả: Kỹ Sư Nguyễn Đức Quang (Hà Nội), Lưu Xuân Quyến, Kỹ sư, Nghệ nhân ở Bắc Giang và Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Chỉ huy Công trình. Các anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Việt Nam năm 1999, đều sinh năm 1977, năm Đinh Tỵ. Các cụ đã tổng kết: “Trai Đinh, Nhâm, Quý có tài ”, có lẽ phần nào đúng, nên ba chàng tuổi Đinh Tỵ đã gom vốn, chung tài, đồng tâm huyết làm nên một kiệt tác chưa đâu có và sẽ tồn tại lâu dài trước tác động của thiên nhiên.
Nguyễn Mạnh Hùng kể, anh sinh ra và lớn lên ở thành phố công nghiệp Cẩm Phả, năm 1995 tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Việt Nam, năm 1999, tốt nghiệp ra trường tham gia xây dựng nhiều công trình trên địa bàn Quảng Ninh. Năm 2005 anh thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế - Đầu tư xây dựng Thương Mại (CIC), đến tháng 1/2020 Công ty tròn 15 năm. 15 năm qua, Công ty CIC do Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng làm Giám đốc đã và đang tham gia xây dựng nhiều công trình lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh ngoài được xã hội tín nhiệm.
Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ duyên để anh và nhóm tác gỉa đến với công trình bức tranh gốm màu Hạ Long là do những lần đi qua vòng xuyến Cái Dăm, nhìn bức tường kè núi rất đồ sộ, diện tích bề mặt rất lớn, lại ở vị trí đẹp của khu du lịch Bãi Cháy, nếu không sử dụng phù hợp, mặt kè sẽ bị sử dụng vào quảng cáo, thông tin, thậm chí bị vẽ, viết bậy sẽ rất lãng phí. Nguyễn Mạnh Hùng liên tưởng, ở Hà Nội có bức tường gốm sứ chạy dài dọc kè bờ sông, nên anh nảy ra ý tưởng sẽ xây dựng ở đây một bức tranh gốm màu trên toàn bộ diện tích bức tường, với những hoạ tiết, nội dung đặc sắc, nhằm tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch. Nguyễn Mạnh Hùng mang ý tưởng ấy trình bày với ông Nguyễn Văn Đọc (lúc đó ông Đọc là Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh), được ông Đọc hoan nghênh, gợi ý về nội dung, về chất liệu, về không gian, cây cảnh... Ông đề nghị Kỹ sư Hùng thiết kế, thuyết minh chi tiết để ông tham gia. Nguyễn Mạnh Hùng tập hợp số anh em học cùng lớp, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp triển khai ý tưởng, tranh thủ sự tư vấn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương, đồng thời về trường nhờ các thầy giáo cũ tư vấn. Được các thầy giáo, các vị giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành có uy tín, kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ.
Khi xem bản vẽ chi tiết, cùng bản thuyết minh, ông Nguyễn Văn Đọc gợi ý, nên lấy Chủ đề của bức tranh là: “Quảng Ninh - Di sản Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới”. Chủ đề nói trên đã tạo nên tính hấp dẫn du khách quốc tế để mỗi du khách có thể quảng bá về tiềm năng du lịch Quảng Ninh. Ghi nhận ý tưởng của ông Bí thư tỉnh Uỷ, nhóm tác giả phân công mỗi người phụ trách một công đoạn theo sở trường, điều kiện của mỗi người. Nguyễn Mạnh Hùng, gia đình ở Hạ Long đảm nhiệm Tổng công trình sư, lo thủ tục, điều hành mọi công việc. Nguyễn Đức Quang, ở Hà Nội phụ trách phần căn chỉnh bản vẽ thiết kế, kỹ thuật ốp lát, mỹ thuật; Lưu Xuân Quyết, là nghệ nhân nghề gốm chịu trách nhiệm sản xuất mảnh gốm. Nội dung của bức tranh gốm màu được nhóm thể hiện là những biểu tượng tiêu biểu của một số nước có nền văn hoá, lịch sử, kinh tế phát triển, như thác Niagara của Châu Phi, Kim Tự Tháp của Ai Cập; Quảng Trường Đỏ của Nga; Tượng Pi Ốt Đại đế; Tháp nghiêng Pisa; Nhà hát Opera Sydney của Úc; đảo Quốc của Singapones; Núi Phú Sỹ của Nhật Bản; Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc); Nữ Thần Tự Do (Mỹ); Tháp Eiffel (Pháp)...Những kỳ quan nổi tiếng thế giới xen với hình ảnh qúa trình dựng nước, giữ nước thời đại Hùng Vương, đến thời đại Lý -Trần...Đặc biệt, để quảng bá tiềm năng du lịch Quảng Ninh, nhóm tác giả đã thể hiện hầu hết các Di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng nổi tiểng của Quảng Ninh, như Di tích đặc biệt cấp quốc gia quần thể lăng mộ nhà Trần ở Đông Triểu; Danh thắng đặc biệt Quốc gia Yên tử ở thành phố Uông Bí; Di tích Lịch sử -Văn hoá Quốc gia đặc biệt Bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên). Ở Móng Cái có Mũi Sa Vĩ (Trà Cổ), cầu Đá Ka Long. Nhằm thu hút khách Du lịch quốc tế, Vịnh Hạ Long-Di sản thiên nhiên thế giới, bức tranh thể hiện nhiều hình ảnh sống động, như: Hòn Gà Chọi nổi giữa biển xanh, sóng gợn lăn tăn; Những con tàu Du lịch màu trắng rẽ sóng trên mặt biển, những con thuyền với hai cánh buồn nâu in hình trên vách núi đá uy nghi, trầm mặc. Cầu Bãi Cháy, vắt ngang sông Cửa Lục - Công trình thế kỷ... Hình ảnh các công trình vui chơi giải trí hàng đầu khu vực Châu Á, như Cáp treo vượt sông Cửa Lục, với cabin Nữ hoàng sức chứa trên 200 người, vòng quay mặt trời, công viên nước, bãi tắm; các hang động: Hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Bồ Nâu, hang Trinh Nữ....
Công trình được thi công hơn một năm, đến tháng 12/2018 hoàn thành đã huy động hơn 200 người, trong đó có 20 chuyên gia về các lĩnh vực điện, nước, cảnh quan môi trường và nhiều thiết bị, phương tiện...
Trong quá trình thi công, cán bộ, chỉ huy và thợ luôn được ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, lãnh đạo phường Bãi Cháy luôn quan tâm động viên. Các thầy giáo, các vị Giáo sư, Tiến sỹ ở Hà Nội cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên, có thầy giáo vài lần về tận công trình chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Đọc, tuy đã nghỉ hưu, nhưng vẫn rất quan tâm đến tác phẩm kiệt tác này. Trong nhiều công trình để lại cho cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh thời ông đương nhiệm, bức tranh “độc nhất vô nhị” trên thế giới có sự đóng góp ý tưởng của ông là tài sản vô giá cho Quảng Ninh.
Ngày 28/4/2019, bức tranh được UBND thành phố Hạ Long phối hợp với tổ chức Kỷ Lục Việt Nam cắt băng khánh thành, công bố công nhận bức tranh gốm màu Hạ Long vào Guiness Việt Nam. Buổi lễ có đông đủ các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt có nhiều du khách trong và ngoài nước có mặt.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng rất tự hào, đây là công trình cả nhóm tác giả dành hết tâm huyết, trí tuệ và cả kinh phí đã miệt mài thi công hàng năm trời, bằng vốn xã hội hoá, giá thành chỉ hơn 6 triệu đồng/m2. Sau khi bức tranh hoàn thành ngày nào cũng có hàng trăm du khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng, mùa du lịch mỗi ngày có vài ngàn lượt người. Những du khách khi thấy có các di sản của nước mình được thể hiện trên bức tranh, họ rất tự hào, hãnh diện và liên tục quay phim, chụp ảnh, ngắm, nhìn rất say sưa… Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bức tranh gốm màu Hạ Long rất có thể đủ điều kiện để được công nhận là Guiness thế giới và có thể được Unesco công nhận là Di sản Văn hoá-Nghệ thuật thế giới, nhưng Công ty và nhóm tác giả không đủ năng lực; Rất mong các cấp chính quyền các doanh nghiệp hỗ trợ, xem đây là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm của tỉnh và quốc gia./.
Bài, ảnh: Đinh Quận