Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcBÁC HÙNG CÓ MỘT TẠ KIM…

BÁC HÙNG CÓ MỘT TẠ KIM…

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 09:40
                     

Đoàn Xuân Trường

(Bài đăng báo Hạ Long số Tết Tân Sửu 2021)

Những lúc rảnh rỗi, mấy anh em văn nghệ sĩ Quảng Ninh thường quây quần bên chén trà, ly rượu. Ở đó là bao nhiêu tâm tình, chuyện kể, có anh cao hứng đọc mấy câu thơ vui rằng: “ Bác Hùng có một Tạ Kim/ Ở đâu tiêu cực bác tìm, bác châm/ Bác châm từ quan đến dân/ Nhưng riêng vợ bác…”, tất cả cùng cười thoải mái. Nhà văn Tạ Kim Hùng cũng có mặt ở đó, ông không buồn phiền, trách cứ mà tỏ ra đắc ý. Hình như những câu thơ lục bát có phần tếu táo đó lại bắt đúng sở trường, sở thích của ông đã dày công theo đuổi suốt đời.

Mùa xuân Tân Sửu 2021 Nhà văn Tạ Kim Hùng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bước sang tuổi 88, ông đã cho xuất bản 17 tập sách gồm các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và thơ. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn chương, báo chí của trung ương và địa phương. Đọc các sáng tác của Nhà văn Tạ Kim Hùng ta thấy thái độ yêu, ghét rõ ràng thông qua cách nhìn nhận, sự phân tích, đánh giá công tâm nhưng dễ thuộc, nhớ lâu, để lại ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là tiếng cười châm biếm của thơ trào phúng. Tập “ Phong trần thi ký” (Nhà xuất bản Văn học 2012) tác giả tập hợp 120 bài thơ sáng tác trong 50 năm, được tái bản đến lần thứ hai, mỗi lần in hàng ngàn cuốn trong sự đón nhận rất nồng nhiệt của bạn đọc. Mở đầu tập thơ, ông tâm sự thật lòng: “ Tôi vẫn thú làm thơ trào phúng…”.

báo hạ_long_2   hạ long_5

Quan tham bị vạch trần

Thời bao cấp, việc giết thịt các con súc vật nuôi để làm sức kéo bị nghiêm cấm vì chúng được coi là “đầu cơ nghiệp”. Thế nhưng, có một hợp tác xã trong đó ban chủ nhiệm lại bàn đến cách giết thịt một con bê cho ngày hội mừng công, vậy là: “ Chủ nhiệm bàn thịt con bê/Ông phó bảo: phải đánh què mới xong” ( trang 17). Lấy lý do con bê bị sa hố mà què, hợp tác xã đã làm đơn trình báo lên huyện, thế là: “Trong ngoài trên dưới đều thông/ Nhận đơn quan huyện cũng đồng tình ngay”. Điều chủ ý của tác giả phê phán ở bài thơ này là cấp dưới và cấp trên cùng một duộc, đồng tình nói dối để được… ăn thịt bê. Nhưng khi con bê còn sống nếu có “kiện” lên tỉnh kêu oan thì cũng không đi được bởi vì đã bị đánh què…. Ở một bài thơ khác, thông qua liên từ “thì” được láy đi láy lại, tác giả lý giải những đặc tính riêng biệt của lũ quan tham trong xã hội, đó là:“ Xả láng thì xả với bồ/Tiêu thì cứ cuỗm tiền chùa mà tiêu/ Rút thì rút ruột dân nghèo/ Chiều thì tốt nhất chỉ chiều quan trên” ( T.35). Đám quan tham có trăm mưu, ngàn kế, có tai, mắt và chân rết khắp mọi nơi trong đó tham nhũng về đất đai là phổ biến, tràn lan với nhiều thủ đoạn tinh vi:“ Huyện tôi có một ông quan/ Tấc đất tấc vàng chiếm chục héc ta/ Mấy ngôi biệt thự nguy nga/ Mỗi nơi quan gửi một tòa… khôn chưa ?” ( T. 58). Nạn phong bì trong cuộc sống đem lại sự gọn nhẹ nhưng khi không được sử dụng với mục đích trong sáng thì nó phá vỡ hết các nguyên tắc, quy định, luật lệ. Có nhiều quan tham giả ốm đau đi nằm bệnh viện để cầu lợi khi cấp dưới lũ lượt đến thăm:“ Sếp ông ốm sếp bà cũng khổ/Bóc phong bì cũng bở hơi tai…”(T.50). Tham nhũng, tiêu cực đã là căn bệnh trầm kha, tràn lan trong xã hội như dịch bệnh mặc dù các cấp, các ngành đều quyết tâm hô hào, tổ chức bộ máy, tìm các biện pháp để diệt trừ, tác giả đã chỉ rõ đường đi nhưng cũng là sào huyệt cuối cùng của nó: “Miếng to phải nhớ quan thày/Quan thày có suất thì mày vô can…” (T.36). Như vậy quan thày (cấp trên) vẫn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Ngày nay trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy phức tạp và cam go, chúng ta quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị là rất đúng, rất trúng vì chính họ là tác nhân, là ngọn nguồn đẻ ra “cơ chế” hoặc chính họ bao che cho cái xấu, cái ác sinh sôi nảy nở. Cũng chính họ là “ quan thày” được chia phần từ các đàn em, đàn con cháu cấp dưới do tham nhũng mà có. Bài “Thực hư” (trang 58) tác giả tổng hợp, khái quát và đưa ra ánh sáng các loại quan tham trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đó là quan huyện, quan tòa xử án, quan giảng đạo… tất cả đều giống hệt nhau “ nói một đằng, làm một nẻo”, cuối cùng tác giả kết luận và cảnh báo: “Thực hư xin cứ hãy trông họ làm”. Ông cất tiếng nói đại diện cho tuyệt đại đa số những con người chân chính: “ Xin ông đừng bắt chúng tôi/ Phải tin quan ấy là người thanh liêm”(T.58). Có một thời gian dài việc xử lý những vụ việc tiêu cực, tham nhũng chỉ là hình thức với các chiêu “dơ cao đánh khẽ” làm mất lòng tin trong dân chúng, Nhà văn Tạ Kim Hùng thở dài, trăn trở khi đặt ra câu hỏi nhưng không biết ai trả lời: “ Ván cờ xử lũ qua tham/ Có như một ván cờ tàn hay không ?” (T.37). Từ sự thật ở sở Y. tỉnh Q. một dạo cơ quan chức năng khởi tố số bị can làm thất thoát khoản tiền lớn trong dự án; thế nhưng trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ cấp Sở liên quan chẳng thấy đâu, còn lại chỉ những cán bộ “ tép riu” phải hầu tòa chịu án. Tác giả chua chát so sánh, ví von rằng: “ Hùm beo thì cứ nhởn nhơ/ Cái tôm cái tép đi tù cả xâu/ Hỏi rằng công lý ở đâu/ Hỏi ngựa ngựa hý, hỏi trâu trâu cười”(T. 43). Thật khôi hài đến mức xót xa khi súc vật cũng không thể chịu nổi những điều trớ trêu phi lý trong việc chống tham nhũng, tiêu cực… ngày ấy. Có lúc nhà văn căm ghét, lên án thậm chí chởi rủa những quan lại bất nhân bất nghĩa khi đã nắm được chức quyền trong tay thì quên đi bạn bè thủa hàn vi: “ Cậy quyền thế chức vụ to/Quên bầu bạn lúc sa cơ lỡ lầm” và ông triết lý từ ý của câu thành ngữ do nhân dân truyền lại, đó là quy luật tất yếu: “ Một đời quan vạn đời dân/ Quan nào rồi cũng đến lân xuống mồ/ Nhưng từ xưa đến bây giờ/Đã ai chôn được xuống mồ chữ Tâm”( T.125).

Lên án thói hư, bênh vực người lành, việc tốt

Có thể nói, trong xã hội hầu hết các thói hư tật xấu đều được Nhà văn Tạ Kim Hùng quan tâm và lên tiếng phê phán quyết liệt: từ ông cán bộ tuyên giáo nói ngọng, giá của thời bao cấp, quảng cáo sai sự thật, thầy thuốc kê đơn quá mức, xả rác, thải phân bừa bãi, đến… họp bỏ về giữa chừng .v.v. Nhưng dành thời lượng nhiều hơn cả, tác giả vẫn tập trung phê phán đạo đức giả đặc biệt là sự biến chất thể hiện qua thói ăn chơi ngông cuồng, phóng đãng làm nảy nở tệ “ buôn vua”. Thực tế cuộc sống một số đàn bà có tý ti nhan sắc cũng biết tạo dáng, vờ vịt tham gia thể thao… nhưng thực chất là lấy cớ làm quen, móc nối với đám quan tham để làm giàu, ăn chơi theo kiểu “đục nước, béo cò”: “Xưa kia mụ đóng quần dài/ Giờ lên bà lớn, mụ xài váy tây/ Váy tây ngắn tủn gang tay/ Mụ đánh quần vợt váy bay vù vù/ Khoe ra mông, háng, đùi, giò/ Và hai trái dừa cứ nhảy tâng tâng”. Những ông quan “ háo ngọt” được ví như “Lũ Trư Bát Giới nháo nhâng/ Có anh cứ đứng bâng khuâng thẫn thờ…”. Cuối cùng tác giả kết luận thật chính xác: “ Một đêm buôn cái lả lơi/ Còn hơn họ Lã một đời buôn vua” (T.49). Thông qua phiên tòa xử vụ chứa mãi dâm, người ta thấy thái độ nhâng nháo, trơ trẽn khi bị cáo thản nhiên khai trước hội đồng xét xử ngón nghề “ làm ăn” của bọn chúng đã bộc lộ sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận con người trong giới có quyền và có tiền. Lý do cơ bản nhất để cái xấu, cái ác nảy nở vẫn là sự bao che và tiếp tay của giới quan chức và đám trọc phú: “ Món hàng mỏ đỏ mắt xanh/ Em chỉ để dành tiếp các đại gia/ Khách làng chơi đến “mua hoa”/ Không quan chức cỡ, cũng là doanh nhân” ( T.68). Từ xưa cho đến nay, những kẻ thủ ác luôn có âm mưu dùng “mỹ nhân kế” để hại người, vì lẽ đó đám “ tiểu yêu” ở cơ quan nọ chẳng coi thủ trưởng của mình ra gì trong khi đó trước tập thể hay chỗ đông người thủ trưởng thường ra oai, hách dịch hay vờ vịt tỏ vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng, trong sáng làm cho nhiều người phải sợ: “ Hách như mấy vị thanh tra/ Thấy bóng thủ trưởng từ xa đã chào/ Riêng em Cưng ( thủ trưởng) rất ngọt ngào/ Trưa nào Cưng cũng gọi vào bóp chân…”( T.78). Trong tập thơ “Phong trần thi ký”, Nhà văn Tạ Kim Hùng dành nhiều bài, nhiều câu để châm biếm, mỉa mai đám trọc phú: “ Ngài nào cũng nóng máu dê/ Cho nên bảy thiếp ba thê là thường…”. Họ giàu có nhưng giàu có một cách bất thường, bất minh do “ cơ chế” và do móc nối cùng với quan tham tạo ra: “ Nếu bỏ phú còn lại trọc/Bia miệng chốn gian trần”(T.91). Là nhà văn, nhà báo trưởng thành từ thực tiễn lao động, sản xuất, chiến đấu đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tác giả Tạ Kim Hùng không khỏi thấy buồn… khi văn chương thời kinh tế thị trường yếu kém, thiếu sáng tạo, ông đã thốt lên: “Câu chữ nhẵn mòn như đít ốc/Văn chương tròn trĩnh tựa hòn bi”( T.140). Ông hài hước và lo ngại trước phong trào làm và xuất bản thơ ca của các cụ tuổi già phát triển đến quá mức: “ Tỉnh mình bốn vạn nhà thơ/ Đi trong đêm tối cũng quờ thấy nhau” (T.158). Không chỉ phê phán, lên án cái xấu, cái ác, Nhà văn tỏ rõ thái độ bênh vực những người lương thiện bình dị làm việc tốt, cảm thông với những hoàn cảnh éo le. Kể chuyện về “ Ông lão dở hơi” tác giả ca ngợi những người tử tế trong xã hội bằng cách giúp đỡ người nghèo khó, dọn dẹp những “chướng tai, gai mắt” trong cuộc sống đồng thời phê phán những người vô cảm: “Người cơ nhỡ, kẻ hàn vi/Ai cần lão giúp việc gì, xong ngay/ Lũ trẻ đánh vỡ cái chai/Người qua kẻ lại chẳng ai thèm nhìn/Còn lão thì chẳng chịu yên/Tay lão nhặt, miệng lão rên hậm hừ/ Chỉ thương cái đám học trò/ Không may giẫm phải tha hồ mà đau…” (T.144). Nhắc lại giai thoại về nhà thơ Hữu Loan, tác giả của thi phẩm nổi tiếng “ Màu tím hoa sim” chẳng may phải ngồi tù, khi ra tù ông làm nghề cạy đá trên núi bán cho các chủ lò vôi để kiếm sống. Ngoài chiếc nón mê, cây xà beng, chiếc búa, nhà thơ còn đôi giày rách được coi là “ tài sản quý” để hành nghề, thế mà một đêm kẻ trộm lẻn vào lấy cắp đôi giày cũ nát, Nhà văn Tạ Kim Hùng không những ngậm ngùi chia sẻ với nhà thơ Hữu Loan còn thương cảm với kẻ trộm vì bị đẩy đến bước cùng cực: “Nhà Thơ thức dậy nghẹn ngào/Chỉ thương thằng trộm còn nghèo hơn ta”(T. 184). Trong tập “ Phong trần thi ký” Nhà văn Tạ Kim Hùng vẫn dành một phần nhỏ cho những bài thơ trữ tình của mình mà ông khiêm tốn gọi là “ một thoáng”. Mượn ý ca dao cổ tác giả nêu quan niệm về tình yêu, cuộc sống của con người: “Tình yêu không có tuổi già/ Vạn lần hé nhụy vẫn là nguyên khai/ Ngày tận thế vẫn ban mai/Nằm trong quan tài vẫn thấy mùa xuân”(trang 216). Đó là tinh thần lạc quan yêu đời luôn thường trực trong ông.

Một ngòi bút sắc, một tấm lòng trong

Người viết bài này may mắn được tiếp xúc lần đầu tiên rất ấn tượng với Nhà văn Tạ Kim Hùng cách đây nửa thế kỷ tại buổi nói chuyện về văn học nghệ thuật ở thị trấn Tiên Yên khi ông còn là cán bộ của Ty Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đó ông về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho đến khi được nghỉ hưu. Sau này nhà văn có nhiều thời gian đi và viết với nhiều tác phẩm in trên sách, báo lớn ở Hà Nội. Đồng nghiệp và bạn đọc quý mến, trân trọng Nhà văn Tạ Kim Hùng ở chỗ, ông sống giản dị, chân thành, gần giũ với mọi người, luôn căm ghét thói hư, tật xấu nhưng sẵn lòng giúp đỡ và thương yêu con người. Đặc biệt, Nhà văn Tạ Kim Hùng đã dành nhiều công sức, tài năng của mình để ra tay cứu giúp những hoàn cảnh éo le, những phận đời ngang trái, vì thế đã có hàng chục bài báo của ông bênh vực và không biết bao lần ông gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc, kiên quyết đấu tranh vì lẽ phải, công bằng. Có lẽ nhờ đức tính cao quý đó đã hun đúc Nhà văn sáng tạo không ngừng trong các tác phẩm văn, thơ của mình tạo nên sức lay động lòng người được lan tỏa mãi. Bài “ Ta vẫn là ta” trong tập thơ được in ngay những trang đầu như một tâm sự về công việc thường làm của ông: “ Lúc khóc cái chày giã cua/ Lúc thương thân phận “con bò què chân”. Một chi tiết có thật trong đời sống của Nhà văn đó là, vào dịp gần tết Nguyên đán năm nọ, có vị quan đứng đầu cơ quan pháp luật tỉnh đến nhà ông chúc tết mang theo một phong bì đựng tiền và một chai rượu ngoại. Nhà văn kiên quyết từ chối nhưng không được, vị quan này để lại phần quà tại nhà ông. Tưởng thế là xong, nhưng sáng hôm sau tại trụ sở của mình ông quan pháp luật bỗng giật mình khi thấy Nhà văn Tạ Kim Hùng đã mang phần quà tết hôm qua đến trả lại với lý do “ Tôi có công cán gì đâu mà đáng được nhận quà tết ?.”. Trong cuộc sống đầy nhiễu nhương phức tạp, đặc biệt đối với những nhà báo, nhà văn chuyên viết chống tiêu cực rất dễ bị trả thù hoặc “gài bẫy”, mua chuộc nhưng Nhà văn Tạ Kim Hùng vẫn giữ được vị trí tiến công và phẩm chất cao quý của mình. Các con, cháu ở xa, hiện tại ông cùng người vợ già mắc bệnh nan y từ rất lâu vẫn sống trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm cao tít trên đồi lộng gió trước mặt là vịnh Hạ Long xanh trong. Gần đây, qua điện thoại, Nhà văn Tạ Kim Hùng đọc cho người viết bài này nghe một bài thơ mới nhất của ông nói về ngôi nhà thật của mình trong đó có những câu đầy sảng khoái, có pha chút châm biếm kẻ khác nhưng rất đáng tự hào: “Nhà tôi như cái tổ chim/ Giữa trưa đốt đuốc đi tìm không ra/ Nhà người biệt thự nguy nga/ Chưa cao bằng cái móng nhà của tôi…”. Nhà văn luôn khảng định rất rõ về cuộc sống của mình trước thanh thiên bạch nhật:“May mà ta vẫn là ta/ Mặc cha cột mỡ, mặc cha… con mèo”(T. 14). Trong cuộc đời sáng tạo của mình, Nhà văn Tạ Kim Hùng không màng tới tiền bạc, chức quyền, danh vọng; Điều mà ông tâm đắc nhất, đó là:“Gặp bạn khề khà chung rượi nhạt/Ở đời sướng nhất phó thường dân”(T.180).

Từ lâu, văn học trào phúng có vị trí lớn lao trong văn học Việt Nam và văn học thế giới.Thơ trào phúng dễ đi vào lòng người, tạo ra sức mạnh sâu xa khi châm biếm, phê phán và lên án thói hư tật xấu hay tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Bạn đọc có thể khảng định chắc chắn rằng: Hơn nửa thế kỷ đã qua những thành tựu về thơ trào phúng của Nhà văn Tạ Kim Hùng thực sự là hiện tượng và đỉnh cao không chỉ ở Quảng Ninh mà có sức lan tỏa, thức tỉnh bạn đọc trong cả nước cùng với các nhà thơ trào phùng hàng đầu khác. Thời gian trôi đi, đến nay nhiều bạn đọc vẫn yêu thích và thuộc lòng thơ ông gắn với mỗi hiện tượng sự việc đáng nhớ, nực cười trong cuộc sống. Rất tiếc, mấy chục năm qua không hiểu vì sao trên văn đàn và các phương tiện báo chí truyền thông cả nước lại ít thấy đăng tải các tác phẩm văn, thơ trào phúng ? Đặc biệt trong thời gian 5 năm trở lại đây mặc dù kết quả công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng ở nước ta đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp nhưng lại thiếu vắng những tác giả, tác phẩm văn học trào phúng xung trận cùng hiệp đồng với các” binh chủng” khác để diệt trừ cái xấu, cái ác ?

Mặc dù tuổi tác đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng bạn đọc vẫn hy vọng được tiếp tục đọc những tác phẩm “ thơ châm” mới nhất của Nhà văn Tạ Kim Hùng, ở đó thơ ông mang sức nặng và sức truyền cảm hứng sâu xa thông qua tiếng cười mỉa mai, khinh bỉ lũ quan tham, kẻ giả nhân giả nghĩa và thói hư tập xấu trong nhân dân. Thơ châm Tạ Kim Hùng sắc bén như những lưỡi dao, mũi kim châm trực tiếp lên án, mổ xẻ cái xấu, cái ác nhằm góp phần xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp, văn minh hơn, thật đúng như bạn đọc và đồng nghiệp yêu mến đã tặng ông: “Bác Hùng có một Tạ Kim..”./.

Thông tin về tác giả:

Đoàn Xuân Trường

Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Tòa soạn: P.44, số 4 Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; ĐT: 0913307307 – 0379615768;

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.">This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516