Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcGIAO LƯU NGHỆ THUẬT “NGƯỜI KHÔNG HÁT TÌNH CA”

GIAO LƯU NGHỆ THUẬT “NGƯỜI KHÔNG HÁT TÌNH CA”

Thứ sáu, 10 Tháng 5 2019 08:50
Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Báo Nhà báo và Công luận; Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.

nghe thuat

Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” là một biên niên sử tái hiện lại những khoảng khắc lịch sử bi hùng của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Dân công hỏa tuyến… trong 16 năm (1959 - 1975) đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình.

Bằng các bài hát đã đi cùng năm tháng qua thể hiện của NS ƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, như: Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Em ở nơi đâu… chúng ta sẽ được sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ.

Phần 1 “Hào khí Trường Sơn”, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải của Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559.

Phần 2 “Người không hát tình ca”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được làm quen với chị Đỗ Thị Bình – Cựu chiến binh Trường Sơn và chị Mai Thị Thọ, Cựu chiến binh Trường Sơn, nạn nhân chất độc da cam.

Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tháng 8 năm 1973, chị Đỗ Thị Bình rời quê hương Thanh Thủy, Phú Thọ lên đường nhập ngũ. Sau hai năm gắn bó với Trung đoàn 99, Sư đoàn 473, Đoàn 559 ở miền Tây Quảng Trị, tháng 4 năm 1975 chị Đỗ Thị Bình được xuất ngũ khi bệnh sốt rét chưa hết hành hạ chị.

Bằng khát vọng đổi đời trên quê hương nghèo khó, đầu năm 1978 chị Đỗ Thị Bình xin vào làm công nhân Nông trường Chè Phú Đài. Nhưng buồn thay, sau 7 năm đầu tắt mặt tối, lương vẫn chẳng đủ ăn vì doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, chị phải trở về quê với hai bàn tay trắng. Ngôi nhà chị Bình đang ở hiện nay nằm trên phần đất của cậu em trai cho mượn đã sửa đi sửa lại ba lần nay xuống cấp nhưng chưa có tiền làm lại. Ngày lại ngày, chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện đưa chị đến hết đồng xa, rồi lại đồng gần để mò ngao, bắt hến bán kiếm tiền nuôi sống bản thân. Là người phụ nữ đơn thân làm bạn với cái nghèo, cái khó, nên bữa ăn của chị Bình cũng đạm bạc bằng bát mỳ tôm không người lái. Giờ đây, người bạn đồng hành cùng chị trong những đêm khó ngủ là chiếc ti vi cũ kỹ màn hình xem lúc được, lúc không.

Phần 3: “Thay lời tri ân”, thông qua phóng sự, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, Ban tổ chức sẽ tặng gần 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kính phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc tại ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Minh Châu

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516