Giờ vui chơi của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Trịnh Tường.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trịnh Tường (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) nằm bên bờ sông Hồng tiếp giáp biên giới, cách trung tâm huyện khoảng 30 km. Năm học 2019 – 2020, trường có 528 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Hầu hết học sinh của trường ở các bản xa trung tâm xã, số học sinh bán trú hơn 321 em. Nhà trường có 3 nhà 2 tầng là phòng học, một dãy nhà bán trú 2 tầng bố trí các phòng ở nội trú, 1 nhà ăn. Ngoài giờ lên lớp, học sinh ở bán trú tại nhà trường còn được các thầy, cô hướng dẫn tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Toàn huyện Bát Xát có 24 trường có học sinh bán trú; số học sinh bán trú được hỗ trợ theo Nghị định 116 có 5.235 em. Huyện đã chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đã ban hành, tích cực xây dựng, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú như; THCS Cốc Mỳ, Pa Cheo, Y tý, A Mu Sung…. đồng thời thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với học sinh, đảm bảo quyền lợi của thầy cô giáo và học sinh.
Rời Bát Xát, chúng tôi ngược về huyện vùng cao Mường Khương, nơi mô hình trường học bán trú có nền nếp xếp nhất nhì trong tỉnh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Minh Xuân cho biết:Toàn huyện hiện có 18 trường PTDTBT, trong đó có 7 trường tiểu học ( TH) và 11 trường trung học cơ sở ( THCS); 12 trường có học sinh bán trú trong đó 7 trường TH, 5 trường THCS, tổng số có 3731 học sinh được hưởng chế độ. Thực tế cho thấy, sau những năm triển khai, mô hình trường bán trú trên địa bàn huyện đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, nổi bật là việc duy trì sĩ số HS trên 98% và chất lượng giáo dục toàn diện trong các cấp học ngày càng nâng cao. Chất lượng bữa ăn của học sinh luôn được đảm bảo đúng chế độ.
Cở sở vật chất của trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu đã được đầu tư khang trang.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả mô hình mang lại, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu và Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu đóng trên địa bàn xã. Thầy giáo Sền Quang Hợp, Hiệu trưởng cho biết, trong những năm qua, các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền tới nhân dân về chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú để các bậc phụ huynh quan tâm cho các em đến lớp. Học sinh bán trú đã được chăm sóc tương đối toàn diện từ nơi ăn, chốn ngủ, từ đó các em có điều kiện quan tâm việc học của mình hơn, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên.
Sự thay đổi lớn nhất từ mô hình trường học bán trú chính là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, giáo viên đỡ vất vả hơn. Đối với những trường học ở vùng cao, những năm trước đây, khi chưa có mô hình trường học bán trú, cơ sở vật chất của trường PTDTBT TH Tả Gia khâu còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đi học không chuyên cần rất phổ biến, nhất là vào mùa mưa. Do đường sá xa xôi, khó khăn, việc đến trường là một trở ngại rất lớn đối với học sinh vùng cao. Các thầy cô giáo vùng cao cứ gần đến đầu năm học mới lại phải lặn lội đến từng thôn bản, từng nhà dân để vận động học sinh đến lớp. Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, đặc biệt, khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp của trường đạt từ 97 – 98%; nay không còn cảnh giáo viên phải đến nhà vận động học sinh ra lớp như trước.
Tiếp theo tuyến đường dọc theo biên giới, chúng tôi lại đến với trường PTDTBT TH Bản Dế thuộc xã Bản Dế, huyện Si Ma Cai. Chế độ ăn uống của HS bán trú ở đây được đảm bảo vệ sinh ATTP. Hầu hết là những thực phẩm tươi sạch được lựa chọn cẩn thận và lấy từ các nhà cung cấp có uy tín. Theo thầy giáo Đặng Phương Mai, Hiệu trưởng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường rất chú trọng việc bồi dưỡng nhân cách, kỹ năng lao động sản xuất cho HS. Việc hướng dẫn các em chăm sóc vệ sinh cá nhân không chỉ góp phần đảm bảo sức khỏe, mà còn là một biện pháp giúp các em tự biết chăm sóc bản thân mình.
Chia cơm tại trường PTDTBT TH Bản Dế, Si Ma Cai
Theo cô giáo Lê Thị Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Nhiều năm trở lại đây trên địa bàn huyện chưa xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, vì ngành luôn phối hợp với trung tâm y tế kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị trường vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo theo đúng quy định, việc đảm bảo chế độ cho các em luôn được kiểm tra chặt chẽ chính vì vậy từ khi triển khai công tác bán trú chưa có giáo viên hay cán bộ quản lý nào vi phạm đến chế độ chính sách của học sinh. Hiện tại toàn huyện có 3.266 học sinh hưởng chế độ theo Nghị định 116 tại các trường và được ăn, ở, ngủ nghỉ theo đúng quy định.
Theo bà Dương Bích Nguyệt, Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Mô hình trường học bán trú ở vùng cao biên giới đã thực sự được lòng dân và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các huyện vùng biên giới như; Bát Xát, Mường Khương, SiMaCai. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 97%, tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.
Đình Thơm