Đoàn Xuân Trường
Kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (1963-2003), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh xuất bản Tuyển tập thơ Quảng Ninh dày 667 trang với 362 bài của 148 tác giả (1). Đối với những người làm thơ, yêu thơ, gắn bó với Quảng Ninh có được tập thơ này, mỗi khi lần dở đều không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào về một nền thơ đồ sộ, phong phú, đa dạng, đậm chất trữ tình. Tuyển tập thơ được chọn từ những sáng tác của đội ngũ tác giả giàu nhiệt huyết, tài năng có mặt trên tất cả các bình diện, ngõ ngách của cuộc sống với những xúc cảm tràn đầy lạc quan, tin yêu. Đúng như Nhà thơ Sóng Hồng đã nói: “ Thơ biểu hiện cuộc sống một cách cao đẹp”(2). Bạn đọc có thể khảng định chắc chắn rằng, thơ Quảng Ninh giai đoạn 1963 - 2003 là thành tựu vẻ vang nhất của thơ ca Quảng Ninh trong thời hiện đại.
1. Sản xuất thật nhiều than cho tổ quốc, đó là nguồn cảm hứng vô tận…
Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho vùng “vàng đen” chạy dài trong lòng núi từ Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả, đến Cửa Ông, Mông Dương. Qua nhiều thế hệ “ Người Vùng Mỏ” sống và làm việc nơi đây đều cảm nhận được than gắn liền với đời sống, với những buồn, vui, lo toan, sung sướng, khổ đau… của mọi người. Nói một cách ngoa dụ có thể chấp nhận được như Ngô Tiến Cảnh: “Tôi sinh ra trên than/ Hơi thở đầu tiên đã có than trong phổi” (trang 35). Bằng trường ca Đá Cháy khi thuật lại cuộc đời, số phận của mình, Trần Nhuận Minh có cái nhìn đằm thắm, chân thật khi tác giả nói thay bao người về tình yêu than và người thợ mỏ: “ Trái tim tôi sẽ tự hát lên/ Khi gặp hòn than và người thợ mỏ”(trang 350),“ Không có than, suốt đời tôi sẽ thiếu/ Một cái gì có thể tạo thành tôi” (trang 359). Hiểu được giá trị cao quý của nguồn tài nguyên này, những người sản xuất than luôn là trung tâm của cuộc sống lao động và chiến đấu bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh: “Người làm mỏ dầm mình trong bụi mỏ” (Hoàng Tuấn Dương, trang 137”. Bởi, than làm ra điện, cho công trường, nhà máy, đồng ruộng sinh sôi, đem đến ấm no hạnh phúc cho bao gia đình, cơ quan, đơn vị, làm nên sức mạnh nền kinh tế quốc dân… Vì thế sản xuất thật nhiều than cho tổ quốc là mệnh lệnh thiêng liêng đối với mỗi cán bộ, công nhân, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh:“ Tiếng gọi nào vang dội/Bằng tiếng gọi ra than ( Lê Bính, trang 22). Hình tượng Người thợ mỏ được các tác giả miêu tả với nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu trung ở tinh thần dũng cảm, lạc quan trong gian khó, dáng khỏe đẹp, rắn chắc mặc dù phương tiện sản xuất ngày đó còn rất thô sơ, chỉ là cây búa và những chuyến xe goòng trong đường lò sâu hun hút hoặc trên tầng cao gió giật, mưa tuôn: “Máu đồng đội nhắc hoài mạch đất/ Vùng than vang tiếng đập tim người.” (Lý Biên Cương, trang 47). Trên tầng cao 380, Ngô Xuân Hội miêu tả chân thực:“ Xuyên những đám bụi ấy/ Xe nhuộm màu than, người nhuộm màu than/ chúng tôi như từ đất lên” ( trang 224). Tình yêu của người thợ mỏ dành cho than không gì so sánh được, rất khéo léo và chính xác khi Nguyễn Thị Hoàng Hòa có chút “ hờn gen”và “trách yêu” người thân của mình:“ Than vàng như có bùa mê/ Lắm khi anh mải chẳng về với tôi” ( trang 214). Người làm than ở Quảng Ninh không chỉ chịu đựng gian khổ bởi khí hậu, thời tiết, khí độc, bụi mỏ… nhưng quyết liệt hơn vẫn là cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại tàn bạo của Đế quốc Mỹ từ ngày 5/8/1964 khi chúng chọn Quảng Ninh là điểm đến đầu tiên để leo thang đánh phá miền Bắc. Long Chiểu kể tội ác khi trận đầu bom Mỹ dội xuống nơi đây như đánh vào sự sống của Vùng mỏ: “ Loạt bom đầu nổ sập bến than ra/ Phà Bãi Cháy, đường ngầm Yên Lập/ Dòng than đi, bom cắt làm ba !...( Trang 72). Phạm Doanh đau đớn chứng kiến cảnh bom Mỹ đánh sập ống khói nhà máy điện:“ Khi ống khói em xây bom thù phá sập/ Khói chảy tuôn lênh láng mặt bằng”(trang 109). Trước thử thách ác liệt của đạn bom, cảnh vật và con người vùng than vẫn ung dung, tự tại, tự tin hiến dâng những gì cao quý nhất cho quê hương, đất nước của mình: “Nhưng thung lũng vẫn là cái đấu miền Đông/ Đong đều đặn từng đấu vàng cho Tổ quốc/ Tâm hồn thợ là tâm hồn trung thực/ Biết chịu đựng hy sinh khi Tổ quốc cần” (Yên Đức, trang 158). Trong sản xuất và chiến đấu để có nhiều than cho tổ quốc, người Quảng Ninh tự hào được Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm, chăm sóc qua những việc làm cụ thể. Người thăm hỏi, động viên, gặp gỡ và chỉ dẫn từng bước đi cho cán bộ, công nhân, nhân dân các dân tộc ở vùng đất giàu đẹp này. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Quảng Ninh để bàn với đại diện nhà nước Pháp về việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Từ năm 1957 đến năm 1965, Bác Hồ về thăm Vùng mỏ 7 lần, Người căn dặn: “ Than vùng mỏ của ta vào loại tốt nhất thế giới, cảnh vùng mỏ vào loại kỳ quan loài người… các chú phải làm than cho tốt”. Viết về Bác Hồ, tập thơ có rất nhiều bài hay bày tỏ được lòng biết ơn vô hạn của nhân dân Vùng mỏ đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nhưng Người hết sức giản dị, gần gũi: “ Lãnh tụ là thế này ư?/ Đi chân đất trên cánh đồng nứt nẻ/ Ôm hôn và cho quà con trẻ/ Chỗ Bác ngồi là dệ cỏ ven đê…”(Mai Phương trang 441). Nguyễn Mai Sơn xúc động trước hòn than được bà nội kể lại. Đó là hòn than chính tay Bác Hồ đã cầm khi Người về thăm Mỏ Đèo Nai năm 1959 và ông nội của tác giả đã được nhận hòn than Bác cầm ngày đó mang về đặt trên ban thờ của gia đình mình:“ Trên ban thờ ông nội/ Thờ hòn than kíp lê/ Bảo tàng mua không bán/ Mắt than giờ vẫn sáng/ Dõi ông, dõi Cụ Hồ …”( trang 500 -501). Đào Ngọc Vĩnh có cách nhìn lạc quan pha chút lãng mạn trong bài “ Tình ca xứ mỏ” ( trang 635) khi tác giả miêu tả không gian khai thác than thật đẹp: “ Rừng thơm ngát hoa trứng gà/ Ong lũ lượt bay về…Chín mọng thanh mai…Nắng vàng như rót mật…”. Nhưng lớn lao hơn cả vẫn là:“ Hãy vung cuốc lên bổ xuống vỉa dày/ Để cho than nghĩ suy cùng thời đại”. Tác giả tính đến 8 mùa than, mỗi mùa dành cho từng đối tượng cụ thể: “ Anh dành cho em mùa than thứ bẩy/ Có chậu hoa, cửa sổ sơn hồng…”. Tác giả dự cảm một cách chính xác rằng: “Than sẽ cần cho những tâm hồn/ Cho những trang thơ và trang tiểu thuyết…”. Trần Tâm nhắc đến mẹ là người làm việc trong ngành Than cả đời bằng nỗi xót thương và lòng biết ơn:“ Than nằm sâu dưới kẽ tay/ Trên gương mặt mẹ nét dày nét thưa…” (trang 524). Sản lượng than của Vùng mỏ Quảng Ninh đã từ lâu như “ hàn thử biểu” luôn chỉ rõ nhịp độ, chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần đồng thời cũng là nơi gửi gắm tình cảm vui, buồn, yêu thương… của mỗi người dân: “ Xuống moong, vào mỏ, lên tầng/ Dòng than vượt mức là mừng, là vui” (Hoàng Anh Vân, trang 628). Ngô Mai Phong có cái nhìn sâu sắc và trách nhiệm: “Trong hơi ấm lửa than có nỗi lạnh sâu xa của mỗi cuộc đời” ( trang 429)…
2. Những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp…
Phác họa vị thế vùng đất Đông Bắc của Tổ quốc, Lê Văn Lạo nhắc đến những địa danh lịch sử một cách trực tiếp hoặc thông qua hình tượng: “Yên Tử, Bạch Đằng… bày cờ thế sự/ Cửa Suốt, An Bang… nguồn mạch Phong Châu/ Nơi biên ải, mái đao đình nghiêng cửa gió/ Thơ vua ngâm, vạn con sóng về chầu ( trang 288). Sông Bạch Đằng (địa phận thị xã Quảng Yên ngày nay) đi vào lịch sử cùng với thi ca, nhạc, họa… của nhiều thế hệ bởi đã ba lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc vào những năm 938, 981 và 1288. Tác giả Trần Khải đặt câu cảm thán khi lịch sử đã đi qua hàng ngàn năm: “Hỡi sóng sông Đằng có nhớ không?/ Bao lần máu giặc đỏ ngầu sông ?” Bãi cọc trên sông Bạch Đằng ngày ấy giờ đây vẫn là chứng cứ hùng hồn, là di sản vô giá nói đến sức mạnh và sức bền của chiến công: “ Đã ngót ngàn năm trải gió mưa/ Mà hàng cọc trận vẫn trơ trơ ( Trang 270). Trường ca “ Bạch Đằng tráng khúc” ( trang 150) của Trinh Đường nhắc lại truyền thống đánh giặc hào hùng xưa nhưng nhắc nhở mọi người không bao giờ được quên cảnh giác: “Và bây giờ/Dù trời ta xanh hơn sắc trời Trần/ Từ giấc ngủ hồn vẫn sôi cảnh giác”. Kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm của cha ông, Long Chiểu tự hào viết về thắng Mỹ trận đầu đã kế tiếp, hòa cùng chiến thắng trong dòng chảy của lịch sử: “ Biển trời tháng Tám, mồng Năm/ Vẫn nghe tiếng sóng dội thầm bài ca”( Trang 77). Di tích Yên Tử ghi dấu ấn hơn 700 năm trước Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng về đây lập nên phái Trúc Lâm Yên Tử: “ Trẫm vào núi để tọa Thiền/Cho Triều Trần mãi vững bền muôn sau” (Thi Sảnh, trang 484). Quảng Ninh giàu, đẹo bởi có than, biển, rừng, hải đảo… nhưng quyến rũ du khách nhiều hơn vẫn là Di tích Yên Tử cùng với những danh thắng kỳ ảo, lộng lẫy của Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Núi Bài Thơ, Trà Cổ, Sa Vỹ, Cô Tô… tất cả làm say đắm lòng người, luôn mời gọi khách bốn phương tìm về chiêm ngưỡng, thưởng lãm: “Núi bia thơ, cây phong cầm muôn thuở/ Nốt nhạc cánh buồm vạt áo Tiên Sa” (Trịnh Công Lộc, trang 306). Triệu Nguyễn như choáng ngợi trước mây trời, hang động, nước non… đến nỗi tác giả phải thốt lên: “ Tôi muốn gõ vang tôi - vang trời rộng/ Nhuộm biếc mình trong sắc biếc Hạ Long”(trang 394). Tống Khắc Hài lại tỏ ra bình tĩnh, tha thiết như muốn níu kéo ráng chiều ở lại thêm nữa trước vẻ đẹp thần tiên: “Xin đừng, đừng vội chiều ơi/ Cứ chầm chậm tím để tôi ngắm nhìn…”(trang 212). Những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng thiên nhiên của Quảng Ninh thực sự là nguồn tài nguyên vô giá đang được khai thác trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhiều năm qua. Chỉ tính riêng năm 2019 Quảng Ninh đã thu hút tới 14 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm, nghỉ dưỡng. Quảng Ninh thật xứng đáng như “ Tổ quốc Việt Nam thu nhỏ” (3) như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng ví.
3. Các dân tộc anh em chung tay xây dựng đất nước, quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp.
Các tác giả thơ Quảng Ninh góp mặt trong Tuyển tập đã thể hiện được cảm xúc chân thành của mình ở mọi khía cạnh, ngõ ngách của cuộc sống với các địa danh, ngành nghề khác nhau trong tỉnh, nơi có 22 dân tộc anh em chung sống. Đó là tài năng đa dạng của đội ngũ sáng tác phần đông là không chuyên nghiệp và tài năng của những người làm công tác tuyển chọn để có tập thơ này ( có thể BBT chưa tập hợp hết những bài thơ hay?). Nguyễn Châu viết về miền núi và các thầy cô giáo cùng học trò ở Bình Liêu khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc ít người còn nhiều gian khó nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống: “Con gái con trai ca Sán Cố/ Vòng bạc thẹn thùng đợi trao tay…” (trang 64). Lê Quán Xưng tả cảnh thanh bình khi ngược đường về Ba Chẽ: “ Xanh mát rừng cây, con suối trắng ngần/ Bãi ngô non chờ bàn tay em hái” (trang 655); Vũ Tư bộc lộ tình cảm rất đúng lúc, đúng chỗ với cô gái vùng cao trước thiên nhiên đẹp: “ Thương em Thanh Phán lưng gùi nắng/Rừng bỗng bay hương tỏa ngát đèo” (trang 556). Từ thị trấn Trới (Hoành Bồ) tác giả Trương Thiếu Huyền nhận ra tiềm năng một địa danh khi liên tưởng tới truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ lúc chia tay, mỗi người đem 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển sinh cơ lập nghiệp, xây dựng giang san: “ Rất có thể chiếc thuyền thứ nhất/ Của tổ tiên đóng bằng gỗ Hoành Bồ (trang 251).Tương lai sẽ đến với mảnh đất này khi tác giả có cách ví von thi vị: “Nếu thị trấn được ví là cô gái/ Cô gái này mới bắt đầu yêu”(trang 252). Dự báo của tác giả đã thành hiện thực, từ đầu năm 2020 huyện Hoành Bồ, địa phương nằm sát rừng, kề biển đã về hội tụ với thành phố Hạ Long xinh đẹp… Trong sự nghiệp đổi mới, Quảng Ninh luôn là tỉnh được Trung ương đánh gía, xếp hạng đi đầu cả nước: “ Bây giờ thành phố khác xưa/ Nhà cao soi bóng bên bờ biển xanh/ Phố Cao Xanh, phố Vườn Đào/ Ngẩn ngơ lạc lối khi vào nhà em”( Hoàng Anh Vân, trang 628). Lê Hường viết về Bãi Cháy: “ Bãi Cháy lên đèn/Người xa về ngập trong ngàn sao lô xô cao ốc” ( Trang 256). Đến những bản vùng cao xa xôi của đồng bào Dao cũng đổi thay, tươi đẹp: “ Ngôi nhà mới nở xòe mặt đất/ Trẻ người Dao cắp sách đến trường xây” (Đoàn Tử Kế, trang 268)…
4. Những triết lý về đời, về thơ…
Nhận định về vai trò của thơ, Nhà thơ R.GamZatov đã nói: “Nếu như các nhà thơ không tham gia vào việc tạo dựng thế giới này thì thế giới không thể trở nên tươi đẹp như thế này… thiếu thơ ca không gì có thể trở thành chính nó”(4). Thật vậy, để làm nên những thành tựu và vóc dáng Quảng Ninh của một thời kỳ đã qua và hôm nay, đồng thời gửi lại cho các thế hệ mai sau thấy được cha ông mình đã sống, lao động, chiến đấu… dứt khoát phải có vai trò của thơ qua cách nhìn, cách cảm của mỗi tác giả. Khi thể hiện cảm xúc của mình trước hiện thực cuộc sống, các tác giả thơ Quảng Ninh không ngần ngại bộc lộ quan niệm, cách nhìn nhận về đời, về thơ nhưng trước hết mỗi tác giả đã thể hiện được đầy đủ trách nhiệm công dân trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyển tập thơ Quảng Ninh 1963-2003 cuốn hút và chinh phục, gây dấu ấn với bạn đọc là ở chỗ, tác giả hòa quyện được “cái ta” với “cái tôi”; “cái chung” với “cái riêng” một cách nhuần nhị, điều này rất ít tập thơ khác có được. Hãy nghe Nguyễn Thiệu Dụ tâm sự: “ Khi đã hiểu thế nào là sắc màu cuộc sống/ Thì hạnh phúc rất chung ngỡ tưởng của riêng mình” (trang 131). Tác giả Như Mai sinh 1924, cha đẻ của “ Thi sĩ máy” (1956) (5)…vẫn cho ra đời những câu thơ giản dị chạm tới trái tim người đọc một cách chân thành khi tác giả bộc lộ tình cảm với đất nước, nhân dân và bạn bè, đồng nghiệp: “Với nhân dân tôi suốt đời mắc nợ/ Sông núi có hôm nay biết mấy hy sinh” (trang 330). Đặc biệt, tác giả vẫn giữ được “ nguyên chất”, rất thật của lòng mình: “Dù đời lận đận gió sương/ Vẫn không trượt giá tâm hồn mảy may/ Ngổn ngang vẫn tỉnh vẫn say/ Gửi mày cái bổng cái bay của hồn” (trang 340). Ngô Tiến Cảnh có triết lý sâu xa khi nói về gía trị của sự sống con người: “ Sinh ra đã mắc nợ đời/ Người chưa trả nghĩa là người chưa sinh” (trang 37) và tác giả thật khiêm nhường trước Nhân Dân: “ Con biết tội nghìn lần/ Chưa làm tròn bổn phận/ Kẻ ăn mày - nhân dân” (trang 40). Vũ Duy Thông kể về cuộc sống khốn khó của người làm thơ những năm trước đây, có lúc phải đổi việc sang làm mặt nạ để bán vào dịp Rằm Trung thu, qua đó tác giả gửi gắm tình yêu thương con người: “ Ta nghèo ta bán niềm vui/ Phía sau mặt nạ, mặt người ta thương” (trang 596). Nguyễn Châu thể hiện trách nhiệm của nhà giáo: “ Thương các em đến trường khó nhọc/ Tôi biết mình vượt dốc nhiều hơn…”(trang 59).Võ Huy Tâm miêu tả cuộc sống giản đơn của mình khi được mọi người giúp đỡ vật liệu từ gỗ hòm mìn, một thứ bỏ đi của Vùng mỏ với tinh thần rất quyết liệt: “Tất cả căn phòng là một cái hòm mìn/ Còn tôi: Tôi phải là thuốc nổ” (trang 537). Nói đến cái chết đối với mỗi con người dù không ai muốn nhưng cũng không thể nào tránh khỏi, Trần Nhuận Minh lựa chọn: “ Tôi sẽ đầu thai làm Ngọn Lửa/ Cháy điên khùng trong đất tối âm u…”(trang 361). Nhắc đến những đồng nghiệp của mình vừa làm thợ vừa sáng tác thơ văn, hội họa, âm nhạc… Văn Chư cảm thông, chia sẻ đối với hầu hết các tác giả trên mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Quảng Ninh, họ chủ yếu từ công nhân mà ra: “ Bút mải miết, cờ lê mải miết/ Nghiệp làm nghề nuôi nghiệp văn…” (trang 95).Trần Đại Bổng vô tư, trong sáng khi quan niệm: “ Làm văn chương không tính toán bạc tiền/Cứ sống thực…cứ mộng mơ/ Và cứ viết…” (trang 31). Về vai trò của thơ và nhà thơ, Triệu Nguyễn có cách thể hiện hóm hỉnh và chính xác khi ví câu thơ, ý thơ hay là những “ vảy vàng” mà sao tác giả vẫn nghèo, vẫn khổ, nhưng người làm thơ vẫn kiên nhẫn, chắt chiu: “Ôi cái nghiệp lạ lùng/ Đa đoan và khốn khó… Như những người đãi quặng/ Chợt vảy vàng hiện ra/ Lại biếu không thiên hạ/ Ấy là THƠ đó mà !” (trang 398). Đây chính là sự dâng hiến cao cả của nhà thơ đồng thời cũng là nhiệm vụ của thơ trong đời sống. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày nay là thời đại 4.0, tất cả mỗi người rất cần đổi mới tư duy và hành động trong mọi lĩnh vực, Ngô Mai Phong đặt câu tu từ đòi hỏi các tác giả hãy đi cùng thời đại: “ Đến máy móc cũng đòi lột xác/Sao nhà thơ không dám cởi trần ?” (trang 431). Hình ảnh “cởi trần”, tác giả như muốn nói, nhà thơ sao không dám sống thật, viết thật trước những điều mình cảm nhận được từ hiện thực cuộc sống …?
Không thể kể hết những tác giả, những bài, những câu thơ hay trong tập Thơ Quảng Ninh 1963 – 2003. Tuyển tập đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, vững chắc của một đội ngũ làm thơ hùng hậu, nhiều tài năng đã sống, làm việc, gắn bó với mảnh đất này. Mỗi khi đọc lại hoặc nhắc đến thơ, những người yêu thơ, yêu mến Quảng Ninh thường kể đến những tác giả có nhiều thành tựu đóng góp cho nền thơ Quảng Ninh và cả nước, đó là: Trần Nhuận Minh, Lý Biên Cương, Triệu Nguyễn, Như Mai, Yên Đức, Long Chiểu, Mai Phương, Đào Ngọc Vĩnh, Lê Hường, Phạm Doanh, Trí Dũng, Thi Sảnh… đến lớp kế tiếp như: Nguyễn Châu, Ngô Tiến Cảnh, Trần Tâm, Trần Ngọc Tảo, Ngô Mai Phong, Vũ Hữu Thỉnh, Dương Phượng Toại, Trương Thiếu Huyền v.v.. trong số đó rất nhiều tác giả là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ lâu. Những tác giả đã làm nên Tuyển tập thơ Quảng Ninh 1963- 2003 ngày ấy, nay người còn, người mất… nhưng những bài thơ, câu thơ hay của họ vẫn sống mãi với thời gian, lòng người và không gian tươi đẹp Quảng Ninh. Người viết bài này mong đợi, được đọc những tập thơ của riêng tác giả hoặc Tuyển tập thơ Quảng Ninh thời kỳ tiếp theo, mong sao có được đội ngũ và chất lượng thơ không thua kém lớp cha anh đi trước … nhưng điều đó thật không dễ./.
Hà Nội, tháng 2/2020
Tài liệu tham khảo:
(1)-Thơ Quảng Ninh 1963 - 2003, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh – 2003 (ảnh trong bài).
(2)- facebook.com Văn học và những cảm nhận (18/5/2017).
(3)-Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh (19/4/2018)
(4)-facebook.com Văn học và những cảm nhận (18/5/2017)
(5)-www. trieu xuan.info (22/10/2018).
Địa chỉ tác giả:
Đoàn Xuân Trường
Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội
P.44, số 4 Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội
ĐT: 0913.307307; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.