Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcSỬ DỤNG CÁC DI SẢN VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CHO HỌC SINH TRONG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

SỬ DỤNG CÁC DI SẢN VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CHO HỌC SINH TRONG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Thứ hai, 08 Tháng 4 2019 09:11

NGUYỄN XUÂN TRÌNH
NGUYỄN ĐÌNH CƠ
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh

Nhận bài ngày 29/3/2019. Sửa chữa xong 30/3/2019. Duyệt đăng 31/3/2019.
Abstract
In the article, the author offer solutions to bring traditional ethnic education in particular and the teaching of history in general to be visually lively and close to high school students, making them more interested in historical knowledge. Using the local cultural heritage to teach history, with many different methods, such as: taking students to the history course directly, or for students to learn about local heritage themselves and create and connected with national history would gradually make students pround of national tradition.
Keywords: Cultural heritage, teaching of history, national tradition.

1. Đặt vấn đề
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một nhiệm vụ bức thiết quyết định đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiệm vụ này muốn hoàn thành tốt cần đến sự tác động tổng thể của tất cả các môn học, trong đó môn lịch sử giữ một vai trò quan trọng. Tuy nhiên những năm gần đây, thực trạng giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh trong môn Lịch sử ở trường phổ thông có rất nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Học sinh đa phần ngán và sợ đối với môn lịch sử bởi sự hàn lâm, khô khan. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này chúng tôi đưa ra một giải pháp để đưa việc giáo dục truyền thống dân tộc nói riêng và việc giảng dạy môn lịch sử nói chung mang tính trực quan sinh động, gần gũi thiết thực với các em học sinh hơn, khiến các em hứng thú hơn với các kiến thức lịch sử, bồi đắp dần cho các em sự tự hào đối với truyền thống của dân tộc.
2. Thực trạng giáo dục truyền thống dân tộc trong giảng dạy môn Lịch sử ở các trường phổ thông
Lịch sử là môn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh. Thông qua những bài học lịch sử, đặc biệt là những trang sử dân tộc học sinh sẽ nắm được truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là yếu tố để vun đắp nên nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc cho các thế hệ học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Mình từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [4; tr. 426].
Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là việc giáo dục truyền thống dân tộc trong giảng dạy môn lịch sử ở trường phổ thông vẫn còn rất nhiều hạn chế.
2.1. Việc dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông vẫn đang nặng theo kiểu rập khuôn, trả bài, thầy giảng, học trò ghi những nội dung khô khan trong sách giáo khoa. Điều này vô tình đang dần giết chết đi khả năng tìm hiểu, sự sáng tạo và cảm giác hứng thú của học sinh đối với môn Lịch sử. Học sinh không mặn mà với môn Sử, thậm chí sợ sử. Điều này dẫn đến những hệ luỵ là các em học sinh không biết về các anh hùng dân tộc, từ đó không biết trân trọng và kế thừa những đạo lý tốt đẹp của tiền nhân để lại. Với cách dạy và học như vậy không có gì ngạc nhiên khi học sinh ngây thơ trả lời: Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, không biết Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… là ai, hay tỉ lệ các em chọn môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm rất thấp...
Tương lai của một dân tộc sẽ ra sao nếu thế hệ tương lai ngày càng thờ ơ với quá khứ, không mặn mà với những giá trị đạo đức tốt đẹp của cha ông.
2.2. Việc giáo dục truyền thống dân tộc trong giảng dạy môn Lịch sử nhiều lúc còn mang tính khiên cưỡng, áp đặt khiến học sinh không cảm thấy thuyết phục. Những nhân vật và sự kiện trong sách giáo khoa thường cách rất xa thời đại của các em học sinh, nhưng khi giảng dạy thầy cô giáo thường thiếu các phương pháp trực quan sinh động giúp các em có thể hình dung rõ hơn, để lịch sử gần với các em hơn. Cũng vì thế tính chất giáo dục của những bài học lịch sử cũng bị giảm đi rất nhiều.
3. Sử dụng các di sản lịch sử - văn hoá địa phương nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cho học sinh
Trong thời gian gần đây vấn đề đổi mới phương pháp dạy học đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Trọng tâm của vấn đề đổi mới là: đưa người học lên vị trí trung tâm của hoạt động dạy và học, tăng cường tính tự chủ của người học trong quá trình tiếp nhận tri thức, người dạy chỉ là người định hướng, truyền cảm hứng. Đổi mới giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh phổ thông trong giảng dạy môn Lịch sử thiết nghĩ cũng nên đi theo hướng đó. Từ trước đến nay đã có nhiều ý kiến mổ xẻ về nguyên nhân học sinh ngày càng “chán” lịch sử và đề ra nhiều biện pháp để giải quyết, tuy nhiên tình trạng này chưa có chiều hướng tốt hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, không gian truyền bá văn hoá trở nên không biên giới, hiện tượng phai nhạt về truyền thống văn hoá diễn ra ngày càng trầm trọng, một bộ phận giới trẻ trở nên suy đồi về mặt đạo đức, coi nhẹ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn lúc nào hết vấn đề giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh phổ thông đang được đặt ra một cách hết sức cấp bách. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong lĩnh vực giáo dục, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cần đến sự tác động của nhiều môn học khác nhau: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Hoạt động ngoài giờ lên lớp…và đặc biệt môn Lịch sử có một vai trò quan trọng. Nhưng muốn giáo dục các em một cách có hiệu quả thì rất cần chúng ta phải có sự thay đổi toàn diện cả về nội dung và cách thức thể hiện.
4. Một số kiến nghị giải pháp đưa di sản văn hóa địa phương vào giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh phổ thông
Lâu nay chúng ta giáo dục truyền thống, đạo đức cho các em trong tiết học lịch sử mang nhiều tính áp đặt, lý thuyết, thường học sinh sẽ cảm thấy sáo rỗng, không thuyết phục được các em. Muốn hình thành cho học sinh lòng yêu nước, giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh không thể chỉ dừng ở việc nêu khẩu hiệu, rập khuôn trong những bài giảng lịch sử khô khan mà nên đưa các em học sinh tự trải nghiệm nhiều hơn với thực tế. Chúng ta nên tận dụng một hệ thống phong phú các di sản Lịch sử văn hoá của các địa phương để phục vụ hiệu quả cho hoạt động giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Bất cứ dân tộc nào cũng có một di sản văn hóa riêng, đặc trưng cho bẳn sắc của dân tộc đó. Điều 1 “Luật di sản văn hóa Việt Nam” đã nêu rõ khái niệm Di sản văn hoá là “bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, đó là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” [2; tr.18]
Di sản văn hoá Việt Nam là những giá trị kết tinh từ sự sáng tạo văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em, trải qua một quá trình lịch sử lâu đời, được trao truyền, kế thừa và tái sáng tạo từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Di sản văn hoá Việt Nam là bức tranh đa dạng văn hoá, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại. Di sản văn hoá Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản văn hoá Việt Nam là những giá trị sáng tạo từ việc học hỏi, giao lưu và kế thừa từ các nền văn hoá và văn minh của nhân loại. Di sản văn hoá Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi địa phương đều có những di sản văn hoá riêng phản ánh lịch sử, truyền thống văn hoá của vùng đất đó trong suốt quá trình hình thành và phát triển [2; tr.18-19].
Việc sử dụng các di sản văn hoá của các địa phương vào việc giảng dạy môn Lịch sử vừa góp phần phát huy tính năng của các di tích mặt khác còn có hiệu quả rất cao trong việc giáo dục truyền thống cho các em học sinh phổ thông. Để làm tốt vấn đề này chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp như sau:
4.1. Mạnh dạn đổi mới nội dung và phương pháp dạy học môn Lịch sử nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống dân tộc đối với học sinh
Thiết nghĩ cần chấm dứt ngay tình trạng dạy sử, học sử như lâu nay: học Trung học cơ sở cũng học những kiến thức từ thời Nguyên thuỷ đến thời kỳ Hiện đại, đến Trung học phổ thông tiếp tục học lại những kiến thức cũ, đến bậc Cao đẳng, Đại học cũng không có gì mới hơn. Học sinh cảm thấy nhàm chán ngay từ khi tiếp cận nội dung. Nên chăng cần có sự thay đổi về mặt nội dung để tạo nên sự hứng thú, khả năng tìm tòi, khám phá cho các em học sinh. Muốn vậy cần đưa những nội dung lịch sử đến gần hơn với các em, để học sinh nhận thấy những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử vẫn hiện diện xung quanh mình. Ở mỗi thời kỳ của lịch sử dân tộc có thể thiết kế những chuyên đề để giáo viên hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu về những di sản văn hoá ở địa phương gắn với thời kỳ đó. Qua những chuyên đề như vậy học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn với giờ học lịch sử, sẽ cảm thấy những kiến thức lịch sử thật sự có ích. Khi học sinh cảm thấy yêu những nhân vật lịch sử, hiểu về những giá trị truyền thống mà cha ông mình đã để lại thì tự khắc các em sẽ hình thành cho mình những chuẩn mực đạo lý và có ý thức trách nhiệm đối với quê hương đất nước.
4.2. Cần đặt phần lịch sử địa phương vào đúng vị trí của nó
Từ trước đến nay phần lịch sử này thường ít được các trường phổ thông và các giáo viên môn Lịch sử chú ý, thậm chí nhiều giáo viên bỏ qua phần này để bù vào những nội dung mà mình dạy chậm so với phân phối chương trình, hoặc nếu có dạy thì cũng qua loa, không hiệu quả. Điều này dẫn đến hệ luỵ là đa phần các em học sinh phổ thông ít có am hiểu về chính vùng đất mình đang sống, không hiểu về truyền thống đạo lý của quê hương mình. Không hiểu thì làm sao nảy sinh tình yêu, không yêu thì làm sao các em có ý thức bảo vệ và giữ gìn nó. Nhà văn Liên Xô (cũ) I-li-a Ê-ren-bua từng có một định nghĩa rất hay về lòng yêu nước như sau: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc” [1]. Giáo dục truyền thống cho các em học sinh phổ thông cũng nên đi từ việc giúp cho các em hiểu hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên, hình thành cho các em tình cảm gắn bó, tự hào đối với quê hương xứ sở. Vì vậy, theo tôi cần phải thay đổi về nội dung và cả phương pháp giảng dạy phần lịch sử địa phương.
Về nội dung chúng ta nên đưa vào những kiến thức gần gũi với các em học sinh phổ thông, đặc biệt ở mỗi thời kỳ lịch sử của địa phương nên gắn với những di sản văn hoá cụ thể.
Về phương pháp giảng dạy, thiết nghĩ nên đưa những tiết học này về các di sản địa phương gần với nơi trường đó toạ lạc để giảng dạy cho các em một cách trực quan sinh động. Trước khi tiến hành tiết học thì cho học sinh chia nhóm tìm hiểu trước về di tích và cả thời kỳ lịch sử đó. Khi đến di tích thì giáo viên sẽ giới thiệu sơ qua về di tích và thời kỳ lịch sử của địa phương liên quan đến di tích sau đó cho các em tham quan và trình bày phần tìm hiểu của mình theo nhóm. Cuối cùng có thể phỏng vấn một số em về cảm nghĩ của cá nhân đối với di tích, thông qua đó sẽ giáo dục các em về những truyền thống của địa phương và ý thức trách nhiệm của các em đối với quê hương, đất nước.

5. Kết luận
Giáo dục truyền thống dân tộc trong giảng dạy môn Lịch sử ở các trường phổ thông là một vấn đề không mới nhưng luôn là chủ đề làm trăn trở nhiều thế hệ các nhà quản lý giáo dục và các giáo viên giảng dạy môn Lịch sử. Có nhiều biện pháp được đưa ra tuy nhiên hiệu quả thực hiện vẫn chưa cao. Đã đến lúc cần có một sự thay đổi căn cơ, toàn diện cả về nội dung và phương pháp học tập môn Lịch sử để lấy lại vị thế cho môn học này. Đặc biệt trong bối cảnh Bộ Giáo dục và đào tạo đã chuẩn bị thực hiện đề án tổng thể đổi mới giáo dục phổ thông thì chúng ta cần nghiên cứu một kế hoạch dài hơi và thực sự hướng đến đối tượng người học. Có như vậy những mục tiêu giáo dục thông qua môn học Lịch sử mới không trở nên nhàm chán, giáo điều và không đem lại tác dụng tích cực như hiện nay. Phát huy việc sử dụng các di sản văn hoá địa phương trong các bài giảng Lịch sử nhằm từng bước đổi mới nội dung và phương pháp dạy học môn lịch sử là một cách thức khá hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh phổ thông.

 

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 6, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.
2. Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi bổ sung năm 2009), NXB Lao động, Hà Nội, 2009.
3. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Phương pháp dạy học Lịch sử, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2002.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002.
5. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng, 2003.
6. Nghiêm Đình Vỳ (chủ biên), Tích hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy môn Lịch sử ở trường Phổ thông, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005.

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516