Đinh Thảo Nguyên
Sưu tập và giới thiệu
BBT: Đoàn Tử Kế và Đoàn Xuân Trường là tác giả thơ, nguyên Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Hai tác giả đã từng sống, công tác, gắn bó với nhân dân các dân tộc cùng cảnh vật thiên nhiên huyện Tiên Yên trong những năm tháng khi họ còn đang ở tuổi đôi mươi. Bằng cảm xúc chân thành, tươi mới, giàu lạc quan được thể hiện trong thơ thông qua cách nhìn và phương pháp thể hiện giản dị, chân thực; Đoàn tử Kế và Đoàn Xuân Trường đã đem đến cho người đọc sức sống, phong cảnh về một vùng đất bình yên, tươi đẹp, thấm đậm tình người.
Từ lâu, thị trấn Tiên Yên được gọi bằng một cái tên trìu mến, rất đặc trưng “Ngã ba miền Đông Bắc” hay”Ngã ba Biên giới”. Nơi đây hiện ra trong thơ Đoàn Xuân Trường như một bức tranh có màu sắc, hình khối đa dạng, riêng biệt, qua bài “Thị trấn của tôi”: “Thị trấn nhỏ của tôi nằm ven sông/Những dãy nhà thấp, cao uốn theo hình con lũ/Mùa khô dòng sông xanh, mùa mưa dòng sông đỏ/Mái ngói cong cong gợi những nét xa xưa…”
Đó là những dãy nhà ống bình dị được xây dựng theo phong cách của người Hoa từ rất lâu nhưng đến bây giờ vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn: Nhà nối sát nhà, thấp cao, mái lợp ngói âm dương xám xịt, tường rêu phong đẫm màu thời gian. Đây là hình ảnh dễ gây ấn tượng, rất gần gũi, bình dị đối với những người ở xa khi đặt chân đến địa chỉ nơi này, ở đó có thiên nhiên và cảnh vật thật êm đềm: “Chiếc cầu tràn như dải lụa/Ai giặt phơi mà quên chưa cất/Những con thuyền về bến sông ngủ chật/Sắc trời xanh quanh năm…” Dấu ấn in đậm trong sinh hoạt của người miền núi trên đất nước ta là chợ phiên, đây không chỉ là nơi giao dịch, mua bán đồ dùng, hàng hóa; hơn nữa chợ phiên còn ghi dấu rất rõ sắc màu văn hóa - xã hội đậm nét truyền thống của mỗi vùng đất. Chợ Tiên Yên cũng vậy, là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào vùng cao miền Đông Bắc, có cả với khách từ nhiều địa phương miền xuôi từ xa xôi đem đến: “Anh thanh niên người Tày, người Dao/Chị Sán Chỉ, Sán Dìu từ Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu xuống/Từng bao quế, hồi, chè vàng nguyên sắc nắng/Họ trao cái nhìn chân thật cho nhau…” Và: “Những con tàu ngày đêm ngược dòng sâu/Đoàn xe vượt hàng trăm đèo dốc/Mang về đây chỉ, kim, muối, đường, vải vóc/Mang niềm vui từ dưới xuôi lên…”
Tiên Yên không phải là huyện giàu có của tỉnh Quảng Ninh, cũng không phải là quê hương của tác giả. Hơn 10 năm gắn bó với những mái trường trong nghề dạy học cho thanh, thiếu niên là con em đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ… đã cho Đoàn Xuân Trường tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất này như chính quê hương của mình khi anh viết về những đoàn xe, những người công nhân khai thác cát chở đi xa xây dựng những thành phố tương lai: “Đừng chê quê anh nghèo đấy em/Quê anh giàu cát/Đi dưới nắng mà lòng khao khát/Vẫn mơ về thành phố đang xây…” (Mùa lấy cát).
Trong những năm tháng sống và làm việc còn nhiều khó khăn gian khổ, nhân dân các dân tộc thuộc các huyện miền Đông, tỉnh Quảng Ninh vẫn khắc ghi dấu ấn của cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ngày ấy họ chung lưng, đấu cật, chia sẻ gian lao, không ngại hi sinh cùng các anh bộ đội với tinh thần đoàn kết, vững vàng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ quê hương đất nước, từ đó tình yêu lứa đôi của tuổi trẻ nảy nở trong niềm lạc quan, tin yêu: “Những ngày ở Đông Ngũ/Gian khổ nhưng tự hào/Vắng em anh thấy thiếu/Gần em anh thêm “giàu…” ( Nói với em).
Khác với Đoàn Xuân Trường, Đoàn Tử Kế là một cán bộ trong ngành Lâm nghiệp đóng tại huyện Tiên Yên; Anh có nhiều bài thơ viết từ Tiên Yên, viết về Tiên Yên làm rung động lòng người thông qua công việc hàng ngày trồng rừng, khai thác gỗ thật nhọc nhằn nhưng rất hồn nhiên, yêu đời: “Gieo ươm rồi em cuốc hố/Trồng cây, cây tốt ngút ngàn/Anh vào rừng sâu đẵn gỗ/Nắng vàng nhuộm cánh phong lan…” ( Ngả đôi).
Đoàn Tử Kế để lại dấu ấn trong một bài thơ hay viết về vùng cao Tiên Yên được nhiều người nhớ và thuộc đến tận bây giờ, đó là bài “Hương quế”. Hương quế cũng chính là hương đời khi tác giả cảm nhận được cuộc sống mới đang từng ngày làm thay da đổi thịt bản làng và những số phận của mỗi con người các dân tộc vùng cao. Mở đầu bài thơ tác giả gửi gắm những dòng tâm sự thật khiêm tốn, giản dị: ““Mong bài thơ cầm lại chút hương thơm/Như cây quế gửi tình ta thương mẹ...”. Bản Cao Lâm thuộc xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên ngày ấy là địa chỉ và khung cảnh thật để tác giả bật lên những rung động từ trái tim mình khi anh được tận mắt, tận tay cảm nhận được những rừng quế của đồng bào Dao vươn lên xanh tốt: ““Thân vút thẳng là những thân cây quế/Giơ tay đếm chẳng tay nào đếm xuể”. Hình tượng cây quế chính là sức sống mới vừa trẻ trung, giàu sinh lực, vừa thể hiện được tinh thần vượt khó vươn lên đồng thời cũng là thành quả lao động sản xuất của đồng bào Dao: “Người Cao Lâm làm sống dậy trong ta/Sức trai trẻ của núi rừng trỗi dậy/Thung lũng xanh hai bên sườn thoai thoải/Lá quế sột soạt va nhau…”
Hình ảnh, màu sắc, âm thanh cuộc sống bản làng cứ tự nhiên chen lấn, ùa vào trang thơ của tác giả và níu kéo người đọc, người nghe một cách tự nhiên vui mắt, vui tai bởi những chấm phá dồn dập, sinh động thể hiện cuộc sống thật hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần do Đảng ta đem lại: “Nồi cơm đầy bà mế thổi trong kia/Giọng đàn khuya cô gái Tày dìu dặt/Ngôi trường mới nở xòe mặt đất/Trẻ người Dao cắp sách đến trường xây…”
Đến với miền núi, nghe tiếng chày giã gạo thập thình (có thể bằng tay, nhiều nơi bà con dùng bằng sức nước), đó là âm thanh quen thuộc dễ gợi nhớ về quá khứ đau buồn đối với những thân phận hẩm hưu, nghèo đói do xã hội cũ để lại. Giờ đây, cuộc sống mới đang hiện hình, náo nức ngoài kia nhưng tác giả không quên nhắc lại cảnh cũ thông qua tiếng chày đi cùng với những hình ảnh so sánh tương phản để bày tỏ lòng biết ơn, càng làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa của cuộc sống mới: “Nghe tiếng chày thậm thịch đâu đây/Tiếng chày gạo như giã vào hương quế/Nhắc chi nữa chày ơi, đời xưa rách/Bát cháo bập bềnh dăm hạt bắp/Tấm lưng trần cọ với lớp tre thô…”.Bao trùm toàn bộ bài thơ Hương quế vẫn là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người, niềm thương cảm và lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước thông qua hình bóng của Mẹ, của Mế đã chịu nhiều khổ cực, đắng cay. Tác giả khảng định: “Như hương đời làm ấm lại trang thơ/Cây quế đủ quyền cho ta thương mẹ/Trên sỏi đá sao mà xanh đến thế/Hương bay gần, bay xa…”. Đoàn Tử Kế viết về thị trấn Tiên Yên, qua bài “Ngả đôi”, nơi gặp gỡ, rồi chia tay với người yêu cũng là đồng nghiệp của mình: “Đây đường lên ngược Bình Liêu/Núi đồi hẹn mùa chín trái/Con sông đằm mình trong chiều/Anh về Quảng Hà, Móng Cái...”.Lý tưởng, tình yêu của thế hệ trẻ được tác giả gửi gắm trong bài thơ luôn tràn đầy niềm tin tưởng vào cuộc sống mới mà họ đang cống hiến, dựng xây qua đoạn thơ kết của bài: “Chia tay nhau giữa Ngả đôi/Lòng không phân vân đôi ngả/Con đường theo Đảng em ơi/Không bao giờ có ngả đôi.”
Thác Pạc Sủi, Đông Ngũ, Tiên Yên, Quảng Ninh
Đọc lại những bài thơ của hai tác giả Đoàn Tử Kế và Đoàn Xuân Trường viết về Tiên Yên cách nay vài thập niên nhưng vẫn thấy cuốn hút. Cảnh vật và con người nơi ấy, giờ đây đã đổi thay, tươi đẹp hơn nhiều, đặc biệt từ khi khắp bản làng địa phương trong huyện đồng bào các dân tộc anh em đang thi đua xây dựng quê hương trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới. Chia tay Tiên Yên, Đoàn Tử Kế chuyển về quê hương Hà Tĩnh vẫn công tác trong ngành Lâm nghiệp, ông làm đến chức Giám đốc lâm trường, rồi nghỉ hưu. Đoàn Xuân Trường chuyển sang làm báo, công tác tại Hà Nội, ông vẫn làm thơ. Gần đây Đoàn Xuân Trường có dịp trở lại Tiên Yên (hình như vội vã). Mảnh đất nhiều kỷ niệm xưa đã cho tác giả những xúc cảm mới, qua bài “Tìm về Tiên Yên” đăng trên báo Hạ Long số ra ngày 05/8/2018: “Nhớ một thời tuổi trẻ/Anh tìm về Tiên Yên…” trong bài có những tên đất, tên xã cùng với những đặc sản quý của huyện được liên tục, liên hoàn nhắc đến nhưng tác giả hình như không khỏi băn khoăn thấp thỏm khi muốn tìm lại hình bóng người xưa:
“ Anh ngược đường Phong Dụ/Điền Xá rồi Hà Lâu/Tiếng gà trưa xao xác/Em ngày xưa,ở đâu?/Anh xuôi về Đông Ngũ/Đông Hải rồi Đồng Rui/Hương hồi chen hương quế/Mật ong tràn đầu môi…Cây bàng xanh xanh thế/như ai đang đứng chờ ?”
Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây đọc lại những bài thơ, câu thơ của Đoàn Tử Kế và Đoàn Xuân Trường viết về Tiên Yên “Ngã ba miền Đông Bắc” người ta thấy như vẫn còn mới nguyên của ngày hôm qua. Sự thành công đó trước hết bắt nguồn từ những rung cảm thật khi cuộc sống lao động, công tác của hai tác giả đã gắn bó mật thiết với con người, mảnh đất nơi đây, và mỗi tác giả thể hiện cảm xúc của riêng mình bằng một tình yêu đằm thắm, chân thành. Tất nhiên, cũng chính Tình Người và Tình Đất Tiên Yên đã tạo dựng, nuôi lớn nguồn cảm hứng, sức sáng tạo của mỗi tác giả, đó là quy luật nhân - quả không bao giờ xưa cũ, như Đoàn Xuân Trường tâm sự: “Tình đời là như thế/Gần nhau rồi chia ly/Ngã ba miền Đông Bắc/Tiên Yên, anh tìm về/Tình yêu là như thế/Chẳng chia xa bao giờ…”
Bạn đọc yêu thơ xin chúc tác giả Đoàn Tử Kế và Đoàn Xuân Trường có thêm những bài thơ hay về Tiên Yên và Quảng Ninh trong công cuộc dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước cho hôm nay cùng mai sau./.
Hà Nội những ngày đầu tháng 8/2018.
Đ.T.N
Chú thích: (1)-Những câu thơ trích trong bài viết trên, tác giả lấy từ những bài thơ của Đoàn Tử Kế và Đoàn Xuân Trường đã đăng trong tuyển tập “Thơ Quảng Ninh 40 năm 1963-2003“ do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh xuất bản 2003 và các báo ở Trung ương.