Ba họa sỹ giới thiệu đến công chúng, những người yêu nghệ thuật một triển lãm quy mô mang tên “NIỆM”. Ở đó, mỗi bức tranh mang đầy sự trắc ẩn, để rồi trở nên khốc liệt qua từng nét lột tả của người họa sỹ, truyền tải thông điệp: tâm thường hằng không sinh diệt, còn thức là vọng tưởng vô thường, luôn biến đổi, khi tốt khi xấu.
Đối với họa sỹ Lê Văn Thìn, đây là lần thứ hai ông triển lãm cùng họa sỹ Ngô Xuân Bính sau “Du và Dội” - năm 2017. Tranh của Lê Văn Thìn với sở trường là những bức sơn mài trắng độc đáo, nội dung sáng tạo biến hóa muôn hình muôn vẻ đã trở nên mới lạ ở “NIỆM”.
Họa sỹ Đặng Tin Tưởng thuộc số ít những họa sĩ hiện đại Việt Nam thành công trong việc săn đuổi cái đẹp của mảng tranh sơn khắc - chất liệu cổ truyền của hội họa Phương Đông. Ông đã gây chú ý cho người xem bởi sự phong phú về bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý với nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ… được đánh giá cao. Tại triển lãm lần này, Đặng Tin Tưởng một lần nữa thể hiện là một “thương hiệu” sơn khắc đáng tin cậy nhất của hội họa thủ đô, chứng minh khả năng diễn đạt những tinh thần mới của một trong những chất liệu cổ xưa nhất của người Á Đông.
Riêng Đào Trọng Cường, nổi tiếng là nghệ nhân quốc gia, là người đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo 19 nước tham dự APEC lần thứ 14 tại Việt Nam bằng đá quý. Mỗi tác phẩm của ông không chỉ là sự chắt chiu, chứa đựng của một cuộc hành trình thỏa mãn niềm đam mê khám phá cái đẹp của ngọc và đá mà nó còn chứa đựng cả khổ đau, hạnh phúc của một cuộc đời. Tranh của ông có một lối đi riêng bởi nó được làm ra từ thăng hoa cảm xúc của con người và bằng tinh hoa đích thực của thiên nhiên.
Sau triển lãm “Du & Dội” – năm 2017, nhà khoa học, là nhà thơ, võ sư, họa sỹ Ngô Xuân Bính cũng thể hiện rõ là một tư chất mà trong mọi hoàn cảnh luôn tìm ra con đường đi của riêng mình. “NIỆM” giống như đang thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đỉnh cao của hội họa, phát triển sự sâu sắc và uyển chuyển đến giới hạn cao nhất để đưa thế giới nội tâm đa màu sắc vào từng nét vẽ.
Họa sỹ Trần Trung Chính nói về hội họa Ngô Xuân Bính: “Ở “Du & Dội” con sông phía thượng nguồn chảy trên độ cao thác dốc trút xuống ầm ầm năng lượng: “Sự rung cảm về nguồn cơn được tạo ra trên mỗi bức tranh phát nghĩa từ các mảng màu sắc vô định hình, hoặc không cả ý nghĩa, nhảy vào tranh ông chỉ do chúng gọi nhau, màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu, thậm chí chỉ là cách ông tổng lực tống ra năng lượng lúc bị dồn nén...”.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính quẫy mình trong con sông nghệ thuật của ông, con sông của tự ông xông phá tìm đường chảy cho nó. Con sông căng đầy năng lượng và sung mãn những hứa hẹn lớn lao...
Và giờ đây, tới “NIỆM”, họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình lý luận Nguyễn Quân đã phải thốt lên: Một dòng sông vô thức dâng trào lên tầng ý thức chan hòa với những ý niệm chủ quan và những suy lý “khách quan”. Tất nhiên theo quy luật “sông có khúc - người có lúc”, tranh có khúc hơn khúc kém, hiệu quả thẩm mỹ có lúc thế này lúc thế kia như chính Ngô Xuân Bính tự bạch rằng “… quang lực truyền cảm thị giác nhiều khi không đồng pha với ý niệm…”. Một khúc quanh mới quan trọng trên đường - đạo sáng tạo của Ngô Xuân Bính? Dẫu gì bao quát thấy ngay rằng: Triển lãm Ngô Xuân Bính đồ sộ này là một thách thức nghệ thuật đáng nể, là một cống hiến, thành tựu nghệ thuật đáng khám phá và trân trọng.
Với số lượng lên tới hàng trăm bức tranh cùng cách sắp đặt và trình diễn sáng tạo, “NIỆM” của Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã khiến người xem choáng ngợp. Ở “NIỆM”, Ngô Xuân Bính hiểu cần làm gì, cần thể hiện làm sao, ông đã lao động, đã làm việc và làm việc. Cảm xúc hội họa trong mỗi tác phẩm đã xuất hiện trong lao động. Đó là một cảm xúc sang trọng.
Ngô Xuân Bính luôn ám ảnh về đạo đời, nhân sinh quan và ông giải quyết ám ảnh đó bằng cách phô diễn thành tác phẩm, mọi lo toan về danh tiếng lợi lộc không có trong tác phẩm của ông. Bởi thế, dù là “Du & Dội” hay “NIỆM”, lần nào Ngô Xuân Bính cũng chiếm trọn cảm xúc của người yêu hội họa.
Mỗi người một phong cách khác nhau, ở NIỆM sự khác biệt từ chất liệu cho đến cảm xúc ẩn hiện trong từng tác phẩm của các tác giả nhưng ngược lại cũng vẫn cảm nhận được chút hài hòa, đồng điệu đến kinh ngạc của những bậc thầy về nghệ thuật.
H.C