Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcNHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT CỦATRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT CỦATRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG

Thứ ba, 12 Tháng 3 2013 09:31
TS. ĐỖ QUỐC ANH Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP. HCM

DHBD

Lãnh đạo Trường Đại học Bình Dương tiếp nhận Quyết định của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho tập thể cán bộ nhân viên ĐH Bình Dương nhân ngày kỷ niệm 15 năm thành lập trường.

DQA

TS. Đỗ Quốc Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 15 thành lập Trường Đại học Bình Dương

 Tôi rất vinh dự được thay mặt Bộ GD&ĐT đến dự buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động cao quý (Huân chương lao động hạng III) của Chủ tịch nước trao tặng cho Trường Đại học Bình Dương trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

 

Trong bài phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Ông Huỳnh Văn Nhị, đã đánh giá các thành tích và có những chỉ đạo cụ thể đối với Trường Đại học Bình Dương. Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi xin nhấn mạnh thêm những điểm mà chúng tôi cho là nổi bật của Trường Đại học Bình Dương.

 

Trước hết,đây là một trường đại học ngoài công lập có đầy đủ triết lý, quan điểm, phương pháp đào tạo và trong thực tế đã triển khai một cách hiệu quả. Ở đây có rất nhiều quý vị đại biểu đã thuộc lòng về triết lý giáo dục của Trường Đại học Bình Dương: “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” và tinh thần trách nhiệm 4T: “Trách nhiệm với bản thân, Trách nhiệm với gia đình, Trách nhiệm với cộng đồng, Trách nhiệm với thiên nhiên”. Đồng thời, Trường Đại học Bình Dương cũng đưa ra phương pháp giáo dục đào tạo rất cô đọng, đó là phương pháp “Cộng học” giữa thầy và trò, giữa trò với trò, với mọi người xung quanh. Chúng tôi đặc biệt tâm đắc với quan điểm của Trường Đại học Bình Dương về một nền giáo dục mở được thể hiện là một nền giáo dục của mọi người, vì mọi người, mọi người có quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển nền giáo dục dó.

          Điều thứ hai, chúng tôi thấy Trường Đại học Bình Dương có một chính sách lâu dài và kiên trì, thu hút được nhân tài từ khắp mọi miền đất nước. Nhà trường hiện đang có 1.200 nhà khoa học tham gia giảng dạy, trong đó có 654 người là GV hữu cơ. Hội đồng Khoa học và Đào tạo gồm các Giáo sư, Viện sĩ đầu ngành, trong đó có 12 người là Viện sĩ Viện Hàn lâm của nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi đã được dự các cuộc học Hội đồng Khoa học và thấy rằng rất nhiều Giáo sư đầu ngành đã đóng góp ý kiến rất tậm huyết cho chiến lược phát triển cũng như các giải pháp cho nhà trường. Đặc biệt, ở đây là ngoài những Giáo sư thuộc về ngành Khoa học Công nghệ còn có rất nhiều Giáo sư ngành Khoa học Nhân văn và trong đó có các nghệ sĩ. Đơn cử như tại buổi lễ ngày hôm nay chúng ta thấy có sự hiện diện của GS.Viện sĩ Trần Văn Khê, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, có NSND Trần Hiếu và có nhiều buổi chúng tôi được dự các chương trình biểu diễn và giảng dạy của NSND Bạch Tuyết, Lý Bạch Huệ.

DHBD1

 

Bác sĩ. Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Văn Nhị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa ủy quyền Chủ tịch nước CHXHCNVN trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho tập thể cán bộ nhân viên Đại học Bình Dương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho GS. VS. Cao Văn Phường - Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Đại học Bình Dương

 

          Trường cũng rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ GV, CBCNV. Tạilễ đón nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước, có tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh Bình Dương, của nhà trường, nhưng không ai công bố mức thưởng. Tôi xin công bố mức thưởng như sau: Bằng khen của Bộ GD&ĐT: 830.000đ; Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương: 1.000.000đ; GiẤY khen của Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương: 5.000.000đ. Qua ví dụ nhỏ trên, qua các khoản thù lao, bồi dưỡng, trả lương, tiền thưởng mà chúng tôi theo dõi trong nhiều năm nay thì có thể nói chiến lược thu hút, phát triển nhân tài, bên cạnh môi trường làm việc rất tốt, chính sách quan tâm của nhà trường khiến cho nhiều thầy cô giáo ban đầu chỉ đến đây để thỉnh giảng nhưng dần dần đã trở thành GV hữu cơ của nhà trường.

 

Điều thứ 3, Trường Đại học Bình Dương là trường có phổ đào tạo rất rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, từ đào tạo Thạc sĩ đến Trung cấp chuyên nghiệp. Như Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Ông Huỳnh Văn Nhị đánh giá, trong 15 năm qua nhà trường đã đào tạo 45.000SV, trong đó có 14.000 SV tốt nghiệp ra trường. Một điều đáng lưu ý là nhà trường có chương trình đào tạo từ xa rất tốt, đào tạo qua mạng internet, qua phát thanh truyền hình của nhiều tỉnh, cho nên có thể nói nếu tính tổng số người dân được thụ hưởng nền giáo dục chung của chúng ta và đặc biệt là của Trường Đại học Bình Dương thì riêng ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh ở miền Đông, chúng tôi thấy đã có hàng trăm lượt người theo dõi và học các tín chỉ của nhà trường qua nền giáo dục mở, giáo dục từ xa.

 

Điểm nổi bật thứ 4, Trường Đại học Bình Dương rất quan tâm đến việc đầu tư và nghiên cứu khoa học. Trường có phòng quản lý về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đồng thời có Phân viện và trung tâm, trong đó Phân viện Viện hàn lâm Khoa học Công nghệLiên bang Nga đặt tại trường. Chúng tôi cho rằng với 150 đề tài ở các cấp, với tổng chi phí đầu tư 5 tỷ đồng trong một thời gian ngắn những năm gần đây, có thể nói đây là sự quan tâm hết sức to lớn của nhà trường đối với công tác khoa học kỹ thuật.

 

Điều thứ 5, Nhà trường hết sức quan tâm đến vấn đề hợp tác quốc tế. Hiện nay trường có quan hệ với 17 trường ĐH và các viện nghiên cứu ở các nước: Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái lan, Lào…. Đặc biệt, việc hợp tác với các trường ĐH ở Nga, là một đất nước có nền khoa học cơ bản rất phát triển mà nhiều trường ĐH của chúng ta đã lãng quên, thì ở Đại học Bình Dương có sự liên kết rất chặt chẽ với các trường ĐH, các viện nghiên cứu của Nga từ nhiều năm nay.

 

Điều cuối cùng, chúng tôi muốn nói là bên cạnh công tác đào tạo nhà trường còn hết sức quan tâm đến công tác xã hội. Đặc biệt là ở những vùng khó khăn của tỉnh cà Mau như:Đầu tư xây Cầu Thầy bắc qua kênh Xáng Chắc Băng trị giá 5 tỷ đồng, xây Trường Mầm non Mẫu giáo Bạch Dương trị giá 1,5 tỷ đồng; đầu tư 60 tỷ xây dựng Phân hiệu của Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau.

 

           Tại Hội thảo về Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức. Rất nhiều đại biểu ở Thành ủy, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh có đưa ý kiến đề nghị các trường ĐH lớn đầu tư phân hiệu của trường mình ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn đang là vùng trũng,vùng thấp của giáo dục thì chúng tôi cho rằng Trường Đại học Bình Dương đã đi trước một bước. Cũng như việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, có thể nói Trường Đại học Bình Dương đã theo đuổi trong nhiều năm nay, thậm chí trước cả khi Bộ GD&ĐT có chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sự gắn bó của trường với 9 khu công nghiệp với hơn 4.000 doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương, chúng tôi cho rằngđây là sự gắn bó lâu dài và hỗ trợ giữa hai bên. Trên cơ sở đó, nhân dịp này chúng tôi thay mặt Bộ GD&ĐT đánh giá cao và nhiệt tình biểu dương đội ngũ các thầy cô giáo, đặc biệt là GS.VS. Cao Văn Phường, linh hồn của nhà trường trong suốt nhiều thập kỷ và có thể nói qua bài hát NSND Trần Hiếu thể hiện hôm nay, chúng ta thấy Thầy Phường mặc dù cao tuổi nhưng luôn luôn là cánh chim đầu đàn, là mùa xuân giữa nắng hè rực rỡ.

 

        Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô! Năm học 2012 – 2013 có ý nghĩa rất quan trọng, đây là năm học đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược giáo dục được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2011-2020; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục ở năm thứ hai và đặc biệt năm nay chúng ta sẽ bắt đầu áp dụng Luật Giáo dục Đại học, một bộ luật hết sức quan trọng cho giáo dục đại học của chúng ta mà có thể nói GS.VS Đào Trọng Thi là người đóng góp hết sức lớn để tạo ra một pháp lý nền tảng cho hoạt động giáo dục đại học nói chung và các trường ĐH, CĐ nói riêng. Chúng tôi rất mong với những đóng góp của Trường Đại học Bình Dương trong 15 năm qua, nếu chúng ta soi vào những chỉ tiêu về đổi mới căn bản toàn diện, tức là chúng ta xây dựng một nền giáo dục hiện đại, chuẩn hóa, một nền giáo dục xã hội hóa hội nhập quốc tế thì có thể nói nhà trường đã đạt được rất nhiều tiêu chí ở trong các chiến lược giáo dục. Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn thấy sự cạnh tranh của nhiều trường, kể cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và ở phía Nam nói chung đang trở nên rất quyết liệt. Trong vòng bán kính vài km ở xung quanh Đại lộ Bình Dương hiện nay đang có 8 trường ĐH và CĐ, trong đó có những trường ĐH đầu tư rất lớn đến hàng trăm triệu USD. Sắp tới mặc dù rất hạn chế nhưng chắc chắn cũng có một số trường ĐH, CĐ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trên nguyên tắc tiếp tục sẽ ra đời, cho nên chúng tôi rất mong Trường Đại học Bình Dương trên nền tảng phát huy những thành tích đã đạt được sẽ thực hiện như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tập trung vào việc xây dựng đội ngũ, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ GV trẻ có học hàm học vị cao, tập trung vào đổi mới phương pháp và chương trình giảng dạy, tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tập trung vào việc hợp tác với các viện trong nước và quốc tế để tiếp tục giữ vững và tỏa sáng thương hiệu Đại học Bình Dương đã được khẳng định trong 15 năm qua.

 

( Nguồn: Bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước ngày 28-9-2012 tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ).

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516